Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng sữa

09:45, 20/04/2025

Mới đây, đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện, triệt phá. Hiện dư luận đang rất quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với mặt hàng này.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông VƯƠNG MINH SƠN, đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk về công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng sữa tại địa phương.

* Thưa ông, trong thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh đã được lực lượng QLTT triển khai, thực hiện như thế nào?

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm sữa nói riêng và lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung đã được lực lượng QLTT đặc biệt chú trọng. Quá trình thực hiện công vụ, lực lượng QLTT đã có nhiều hình thức khác nhau để người kinh doanh, người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt thông tin, nâng cao cảnh giác khi mua bán và sử dụng thực phẩm; hướng dẫn, giải thích cho thương nhân hiểu để tránh vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh thực phẩm.

Ông Vương Minh Sơn, đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, hằng năm, lực lượng QLTT xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, trong đó có kế hoạch kiểm tra chuyên đề an toàn thực phẩm vào tháng Tư, tháng Năm; kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, căn cứ vào chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc tình hình thực tế tại địa phương, lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định khi có dấu hiệu vi phạm.

Qua công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình, từ năm 2021 đến nay, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và đã phát hiện, xử lý 134 vụ vi phạm, trong đó có mặt hàng sữa với tổng số tiền xử phạt là gần 1,1 tỷ đồng.

* Sau vụ việc hai doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa giả bị triệt phá, phía lực lượng QLTT đã có những hoạt động kiểm tra, kiểm soát như thế nào đối với việc cung ứng, phân phối sản phẩm sữa trên thị trường, thưa ông?

Ngay sau khi nắm được thông tin trên các phương tiện truyền thông về việc Bộ Công an khởi tố hai doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa giả trên địa bàn TP. Hà Nội, lãnh đạo Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT, tổ thương mại điện tử tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn; rà soát lại các nhà phân phối, địa điểm buôn bán các sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đơn vị chỉ nên buôn bán những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn đầy đủ. Đồng thời, nắm bắt thông tin dư luận, diễn biến thị trường để có kế hoạch kiểm tra trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, lực lượng QLTT chưa phát hiện các nhãn hiệu sữa của hai doanh nghiệp này đang bày bán tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do các nhãn sữa này chủ yếu bán online trên nền tảng mạng xã hội và được giao hàng thẳng từ nhà máy sản xuất đến tận tay người tiêu dùng.

* Thưa ông, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các vi phạm, trong thời gian tới Chi cục QLTT cần có giải pháp gì để quản lý đối với mặt hàng sữa và sản phẩm sữa lưu thông trên thị trường?

Với nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT Đắk Lắk là đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ, các đội QLTT, tổ thương mại điện tử tăng cường công tác quản lý địa bàn, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các chợ đầu mối, điểm kinh doanh bán lẻ; thu thập thông tin, phân tích thông tin khách quan dựa trên các quy định của pháp luật đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp có vi phạm thì xử lý nghiêm đối với tất cả các sản phẩm, không riêng gì sản phẩm sữa.

Với vai trò là thành viên thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Chi cục sẽ tham mưu cho Trưởng ban xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo các ngành, các cấp cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như mặt hàng sữa.

* Về phía cơ quan QLTT có những khuyến cáo thế nào đến người tiêu dùng nhằm tránh mua phải những sản phẩm sữa giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thưa ông?

Trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm. Riêng đối với sản phẩm sữa, chúng tôi có một vài lưu ý như sau:

Khi mua sản phẩm sữa, người tiêu dùng nên chọn lựa sản phẩm có nguồn gốc từ các công ty có uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chứng nhận.

Khi quyết định mua sữa quảng cáo trên mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải cân nhắc về nguồn gốc, tính chân thực quảng cáo; nên chọn lựa sản phẩm được giới thiệu trên các đài, báo chính thống vì những tổ chức này có các quy định cụ thể về quảng cáo, các sản phẩm đã được kiểm chứng mới cho phép giới thiệu.

Còn khi mua sữa ở các địa điểm kinh doanh cố định, người tiêu dùng nên yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc bản test thành phần của tổ chức đánh giá sự phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

Tuyết Mai (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.