Thu nhập cao nhờ nuôi ốc bươu đen
Tận dụng diện tích ao, hồ cùng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, người dân xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) đã phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ốc bươu đen ngày càng tăng, từ tháng 5/2023, ông Bùi Hữu Cường (thôn 18, xã Ea Ktur) đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi ốc thương phẩm. Tận dụng diện tích mặt hồ rộng khoảng 1.000 m², ông tiến hành quây lưới và chia thành từng ô nhỏ để nuôi ốc. Ông thường xuyên vệ sinh và kiểm tra chất lượng nước để duy trì môi trường sống lý tưởng cho ốc. Thức ăn cho ốc chủ yếu là các phế phẩm nông nghiệp như: rau, củ, quả...
![]() |
Ông Bùi Hữu Cường (thôn 18, xã Ea Ktur) cùng các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của ốc. |
Không chỉ nuôi thương phẩm, ông Cường còn chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật ấp trứng và chăm sóc ốc con để chủ động nguồn giống. Để tăng tỷ lệ nở, ông thu gom trứng đẻ ngoài ao và đưa vào thùng ấp, tạo độ ẩm giống như môi trường tự nhiên. Nhờ vậy, ông có thể kiểm soát tốt quá trình ấp nở và nâng cao chất lượng con giống. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán hơn 1 tấn ốc thương phẩm ra thị trường, với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, ông còn cung cấp trứng giống và ốc con với mức giá dao động từ 1,2 - 2,5 triệu đồng/kg (tùy theo độ tuổi và thời điểm bán). Nhờ mô hình nuôi ốc bươu đen kết hợp sản xuất con giống, gia đình ông đều đặn thu về trên 100 triệu đồng lợi nhuận mỗi năm.
Từ những thành công bước đầu của mô hình, chính quyền địa phương cùng hội nông dân đã tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện để ông Cường cùng 10 hộ dân trong thôn thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen vào tháng 9/2024. Tổ hội đã trở thành nơi các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật nuôi ốc. Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi được nâng cao và thu nhập của người dân trong thôn cũng tăng lên.
![]() |
Người dân sử dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho ốc. |
Bà Cao Thị Hường (thôn 18, xã Ea Ktur), thành viên của Tổ hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen cho hay, gia đình bà có hơn 600 m² ao nuôi cá, tuy nhiên mô hình dần kém hiệu quả do chi phí thức ăn tăng cao, cá thường xuyên mắc bệnh và chậm lớn. Trước những khó khăn đó, bà quyết định chuyển hướng sang nuôi ốc bươu đen. Sau khoảng 4 tháng nuôi, ốc đạt trọng lượng từ 25 - 30 con/kg. Bà Hường xuất bán cho thương lái, các quán ăn ở địa phương và các tỉnh lân cận, với giá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về gần 70 triệu đồng mỗi năm.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin Nguyễn Lưu Tuệ cho biết, mô hình nuôi ốc bươu đen khá đơn giản, cách chăm sóc không quá phức tạp, vốn đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… Đồng thời, hướng dẫn người dân tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước sẵn có từ ao, hồ, đập để phát triển mô hình nuôi ốc, qua đó góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển theo hướng bền vững.
Thúy Nga
Ý kiến bạn đọc