Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar cấp bách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

07:41, 31/08/2021

Huyện Ea Kar đang cấp bách triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều trị, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ đàn gia súc cho các hộ chăn nuôi.

Dịch bệnh diễn tiến nhanh

Huyện Ea Kar hiện có tổng số trên 40.800 con gia súc, trong đó chủ yếu là đàn bò với trên 23.500 con và đàn trâu trên 4.500 con. Từ ngày 4-8-2021, bò tại một số hộ ở xã Ea Sar bắt đầu có dấu hiệu bệnh viêm da nổi cục.

Sau khi có kết quả xét nghiệm chính thức của Chi cục Thú y vùng V, ngày 13-8 huyện Ea Kar đã công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò với 76 con bị bệnh.

Chỉ một thời gian ngắn, dịch bệnh đã lan rộng ra 9/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện gồm: thị trấn Ea Kar, các xã Ea Sô, Ea Sar, Ea Đar, Ea Ô, Cư Prông, Cư Huê, Cư Ni và Ea Kmút với tổng số 385 con bò mắc bệnh.

Đến nay, ngành chức năng của huyện, các địa phương và hộ chăn nuôi đã tiêu hủy 22 con với tổng trọng lượng 2.868 kg. Bệnh viêm da nổi cục đã gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi, nhất là các hộ vùng khó khăn.

Gia đình anh Hoàng Văn Bùi ở thôn 3 (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) tiêu hủy bê con bị bệnh viêm da nổi cục.

Là địa phương đầu tiên của huyện xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục với 25 con bò của 7 hộ tại 4 thôn mắc bệnh, đến nay, toàn xã Ea Sar đã có 118 con bò của 74 hộ tại 11 thôn, buôn bị bệnh này, trong đó đã phải tiêu hủy 10 con với tổng trọng lượng 1.483 kg. Nhiều hộ ngậm ngùi, xót xa khi tiêu hủy “gia sản” của mình.

“Đến nay, huyện Ea Kar đã có 65% tổng đàn gia súc được tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Huyện đang tập trung nhân lực, vật tư, hóa chất, phương tiện khoanh vùng cách ly bên ngoài, dập dịch bên trong, hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi” - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ea Kar Trần Văn Đông.

Gia đình anh Hoàng Văn Bùi là hộ khó khăn ở thôn 3 (xã Ea Sar) tích cóp vốn và vay mượn thêm anh em mới mua được 1 con bò giống. Vợ chồng anh dành nhiều công chăm sóc nên đã có thêm 1 bê con, mang đến nhiều hy vọng cải thiện kinh tế gia đình. Nào ngờ, khi dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện, bê con chưa được tiêm phòng vắc xin nên bị bệnh nặng, buộc phải tiêu hủy.

Xã Ea Đar hiện có trên 1.860 con gia súc, chủ yếu là bò. Dịch bệnh bắt đầu khởi phát tại 13 hộ ở buôn Sưk từ ngày 6-8 với 21 con bò mắc bệnh, đến nay đã lan ra 95 hộ ở 11 thôn, buôn của xã với tổng số 125 con mắc. Gia đình bà H’Klô Niê ở buôn Sưk có 5 con bò, trong đó có một bê cái bị sốt, kém ăn, nổi nốt sần dưới da ở bụng và chân, bà đã báo cho thú y địa phương lấy mẫu xét nghiệm và khẳng định kết quả dương tính với bệnh. Bà H’Klô cho hay, cũng may gia đình đã tiêm phòng cho 4 bò mẹ và tách riêng khi bê con có biểu hiện bất thường nên chưa bị lây bệnh.

Khoanh vùng, dập dịch

Trên cơ sở chỉ đạo của huyện, các địa phương đã tích cực vào cuộc dập dịch. Tại xã Ea Đar, ngoài các hộ chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, tiêu độc, khử trùng môi trường, xử lý kịp thời khi có trâu, bò bị bệnh, sau khi được UBND huyện cấp 500 liều vắc xin, xã đã chỉ đạo cán bộ thú y phối hợp với ban tự quản các thôn, buôn triển khai tiêm vét cho số gia súc còn lại. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Đar Vũ Hồng Long cho biết, đến nay toàn xã đã có 90% tổng đàn gia súc được tiêm phòng. Đối với số trâu, bò đã mắc bệnh, xã khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị đã được hướng dẫn, không bán chạy, giết mổ, nếu không thể chữa trị được thì báo ngay cho chính quyền địa phương để tiêu hủy theo quy định.

Cán bộ thú y xã Ea Đar (huyện Ea Kar) tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò trên địa bàn xã.

Để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, huyện Ea Kar đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời cấp 530 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường và 1.500 liều vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho các địa phương có dịch, tiêm vét cho số trâu, bò trên địa bàn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, điều trị bò nhiễm bệnh và tiêu hủy gia súc bị chết theo quy định.

Theo ông Hoàng Công Nhiên, Phó Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ea Kar, bệnh viêm da nổi cục do vi rút gây ra với các triệu chứng nổi u, cục, nốt sần trên da vật nuôi. Nếu người dân chủ động phòng, chống tốt, tiêm vắc xin, diệt các côn trùng truyền bệnh như ve, muỗi, mòng, giữ vệ sinh khu vực chăn nuôi sẽ hạn chế tối đa dịch bệnh. Đây là bệnh có thể điều trị được, toàn huyện đã có 210 con trâu, bò khỏi bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không mua bán, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò bị bệnh khiến dịch lây lan.

Xuân Thao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.