Multimedia Đọc Báo in

Bài học từ “thông đường” nông sản mùa dịch

16:16, 27/10/2021

Mùa thu hoạch trái cây tại Đắk Lắk năm 2021 rơi vào đúng thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại Việt Nam. Những loại cây ăn quả có giá trị không tìm được đường để đi đến nơi tiêu thụ dẫn đến tình trạng ùn ứ, giá cả sụt giảm.

Đơn cử như vựa sầu riêng của tỉnh là huyện Krông Pắc đã rơi vào tình cảnh khó khăn, mặc dù người dân, doanh nghiệp (DN) và chính quyền đã có sự chuẩn bị nhất định từ lên phương án phòng, chống dịch đến tìm cách kết nối thương nhân cho các DN thu mua sầu riêng từ tỉnh khác đến địa bàn.

Nhiều DN đã được chính quyền huyện Krông Pắc có công văn riêng làm giấy “thông hành” đề nghị các tỉnh, thành phố kết nối nhằm “thông đường” đưa nhân công lên Đắk Lắk thu mua và trở về sau mùa vụ thu hoạch. Tuy nhiên, DN vẫn không kết nối được, bởi phương án chống dịch mỗi địa phương một khác.

DN hoạt động trong lĩnh vực này cũng lên phương án thu mua, bóc múi cấp đông để vừa duy trì hoạt động mùa dịch, vừa tiêu thụ sầu riêng cho bà con nông dân. Thế nhưng phương án này vẫn “khó” bởi ngoài cấp đông đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm chất lượng sầu riêng múi sau rã đông thì vấn đề kho bãi chứa hàng hóa tiếp tục trở thành rào cản khi diễn biến dịch COVID-19 chuyển hướng phức tạp.

Một số DN lên phương án bóc tách theo kiểu “cuốn chiếu”, cứ đủ 100 tấn sầu riêng múi cấp đông (tương đương 2 container) thì vận chuyển xuống kho bãi đã thuê trước đó ở TP. Hồ Chí Minh trữ hàng, lấy chỗ trống kho cấp đông tại Đắk Lắk tiếp tục thu mua và chế biến. Tuy nhiên, phương án này cũng không thực hiện được bởi thời điểm đó, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận trên 1.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, buộc phải “đóng cửa” để dập dịch.

Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch bơ và vận chuyển tới vựa thu mua bán với giá 3.000 đồng/kg. Ảnh: T. Hường

Tương tự, bơ cũng rơi vào tình cảnh như vậy khi thời điểm ấy, giá bơ tại Đắk Lắk chỉ còn 3.000 - 6.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn không muốn bỏ công hái nên để bơ chín rụng đầy vườn. Tuy vậy, vẫn có những nhà vườn chấp nhận bỏ công sức ra hái bơ và chở đến tận vựa để bán cho các tiểu thương với giá 3.000 - 6.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) cho biết, những năm trước thương lái đến mua tận vườn với giá trên 10.000 đồng/kg, anh chỉ việc xem cân, thu tiền. Năm nay, do dịch bệnh COVID-19 thương lái không thể đến tận vườn thu mua nên nông dân tự tạo công ăn việc làm cho mình bằng cách hái và chở ra tận vựa để bán. Giá thấp nhưng vẫn có nguồn thu nhập đi chợ mỗi ngày.

Về tiêu thụ liên tỉnh, bà N.T.H., chủ một DN chuyên kết nối, thu mua nông sản tại Đắk Lắk cho hay, câu chuyện “thông đường” cho nông sản mùa dịch là câu chuyện dài, nhiều khó khăn bởi mỗi địa phương có một cách chống dịch khác nhau và tất cả cũng chỉ mong muốn chống dịch hiệu quả và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Khó khăn là chuyện không thể nói hết đối với DN mùa dịch, tuy nhiên nếu cố gắng thì hàng hóa đều đi được. Bình quân mỗi ngày DN có thể tiêu thụ được 10 tấn, thậm chí lên đến 100 tấn đi đến TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai… 

Chế biến sầu riêng mùa thu hoạch 2021 tại huyện Krông Pắc. Ảnh: T. Hường

Trước thực tế khó khăn về đầu ra cho nông sản, tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân tỉnh nhà. Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền và nông dân trong việc nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông sản thời gian qua. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở sự cố gắng của một “khâu” nào đó trong chuỗi giá trị thì chuyện tiêu thụ sản phẩm vẫn là rất khó khăn.

Việc “thông đường” cho nông sản cần phải được chuẩn bị từ nông dân đến DN và chính quyền. Ở đây, cần khai thác hơn nữa mối quan hệ giữa nông dân và nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng; DN và DN để kết nối khâu chế biến, vận chuyển, tiêu thụ; giữa chính quyền các địa phương nhằm đưa ra phương án, chính sách đủ tầm để “thông đường” cho nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Chỉ khi có sự kết nối đó thì nông sản mới có cơ hội “thông đường” đúng nghĩa, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nơi sản xuất thì ùn ứ, nơi tiêu thụ lại khan hàng.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.