Multimedia Đọc Báo in

Để cây bơ thoát "vòng luẩn quẩn"

09:06, 31/10/2021

Không chỉ năm nay, bơ Đắk Lắk mới rơi vào vòng xoáy mất mùa, mất giá. Thực trạng trên diễn ra từ lâu, đại dịch COVID-19 chỉ là “giọt nước tràn ly”.

Toàn tỉnh hiện có trên 9.000 ha bơ với đủ giống bơ bản địa lẫn ngoại nhập. Khí hậu, đất đai khá phù hợp đã tạo nên chất lượng bơ tuyệt hảo, hiếm nơi nào sánh bằng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bơ Đắk Lắk vẫn chưa thể làm chủ thị trường, chung số phận "năm trúng mùa, năm ế ẩm" như những loại trái cây, nông sản khác.

Minh chứng, giá bơ vừa qua có lúc chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg (kể cả loại bơ từng có giá cao ngất ngưởng như bơ booth). Nhiều ý kiến cho rằng, dịch COVID-19 là nguyên nhân dẫn đến vụ bơ thất bại. Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi thực tế những năm qua, bơ Đắk Lắk cũng lắm phen lao đao vì giá. Đại dịch như “giọt nước tràn ly” phô bày, tô đậm những tồn tại của cây bơ từng được chuyên gia nhận diện, mổ xẻ từ lâu.

Quả bơ được bọc túi khi còn non tránh côn trùng tấn công. Ảnh: H.Hùng

Thực tế, cây bơ trên địa bàn tỉnh chủ yếu được trồng tự phát, nhỏ lẻ nên chưa tạo ra lượng hàng hóa lớn. Một vườn có tới 3 - 4 loại bơ khác nhau dẫn đến sản phẩm không đồng đều về chất lượng, khó đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng lớn khi đi vào hệ thống các chợ đầu mối nông sản, siêu thị và xuất khẩu.

 

“Chất lượng là yếu tố then chốt, muốn vậy cây bơ phải được chăm sóc theo quy trình, tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt kể cả khâu thu hoạch. Đơn cử, quả bơ không được bọc túi dễ bị côn trùng tấn công làm hư thối phần ruột bên trong, hoặc thu hoạch bơ trong lúc mưa rất dễ hỏng nếu không xử lý lau khô kịp thời…”.

 
Giám đốc HTX bơ Đại Hùng Đắk Lắk Đặng Huy Hùng

Trong khi đó, đến thời điểm này chưa có một công trình khoa học nghiên cứu bài bản về từng giống bơ phù hợp với tiểu vùng khí hậu, chất đất nào, kể cả diện tích trồng bao nhiêu thì đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong từng thời điểm nhất định. Đặc biệt, phần lớn quả bơ được bán tươi, chưa qua chế biến sâu, trong khi nhược điểm của loại quả này lại nhanh chín, dễ hư hỏng trên đường vận chuyển.

Ông Đặng Huy Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) bơ Đại Hùng Đắk Lắk (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nhiều nông dân chỉ xem bơ là cây trồng phụ dù loại quả này cho thu nhập cao hơn cây trồng chính.

HTX từng thuyết phục nhiều hộ dân cải tạo vườn bơ bằng cách ghép loại giống năng suất, chất lượng cao và liên kết các vườn chăm sóc theo tiêu chuẩn chung song bất thành.

Đợt dịch vừa qua, HTX có những đơn hàng mua bơ với giá cao từ 15.000 - 20.000 đồng/kg (cao gấp 3 - 4 lần giá thị trường) nhưng không có đủ nguồn cung dù trên địa bàn tỉnh không thiếu bơ. Lý do, diện tích bơ nằm phân tán, chất lượng bơ không đồng đều".

Tiến sĩ Trương Hồng, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên từng chia sẻ, nông dân trồng bơ cần liên kết hình thành các tổ hợp tác, HTX để có được sự đồng bộ về áp dụng chế độ bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh hại, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đồng đều...

Khi diện tích bơ được tập trung, cùng chủng loại và được chăm sóc theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… sẽ tạo thành vùng nguyên liệu rộng lớn. Vùng nguyên liệu ổn định sẽ là tiền đề để doanh nghiệp xây dựng các nhà xưởng, đầu tư máy móc chế biến sản phẩm từ quả bơ tươi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Sản phẩm bơ có thương hiệu, đạt chất lượng sẽ không lo đầu ra. Ảnh: H.Hùng

Có thể nói, tiềm năng, thế mạnh, giá trị của cây bơ đã được nhìn thấy; tồn tại, định hướng phát triển cho cây bơ cũng đã được chỉ rõ, vấn đề còn lại là ở cách hành động. Để đưa cây bơ thoát khỏi "vòng luẩn quẩn", trở thành cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân, các chuyên gia khuyến cáo không mở rộng diện tích ồ ạt, theo kiểu phong trào, dẫn đến thiếu tính bền vững; tập trung nâng cao giá trị cho cây bơ. Để làm được điều này cần sự vào cuộc, liên kết mạnh mẽ giữa 4 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học.

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.