Multimedia Đọc Báo in

Nông nghiệp thông minh: Chìa khóa để thích ứng với biến đổi khí hậu

15:29, 25/11/2021

Là một nước nông nghiệp nên Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có Đắk Lắk. Các thách thức do BĐKH đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hoạt động sinh kế của từng địa phương.

Theo Sở NN-PTNT, trong những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, năng suất một số cây trồng như lúa, ngô, cà phê, cao su, điều và tiêu luôn cao hơn so với các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán ở Tây Nguyên cho thấy biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ rệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng ở Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 13 đợt thiên tai (gồm 7 trận lốc tố, 2 đợt hạn hán, 4 đợt mưa lũ) làm khoảng 25.890 ha cây trồng các loại bị thiệt hại; trên 3.300 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 211 tỷ đồng.

Để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, ngoài mô hình nông nghiệp tích hợp công nghệ thông minh còn có các mô hình liên quan đến quản lý nước và tưới tiêu thông minh được áp dụng trong hầu hết các hệ thống sản xuất cây trồng ở Đắk Lắk như cà phê, tiêu, cây ăn quả... 

Bên cạnh đó, còn những ứng dụng khác có thể kể tới như: áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh (các giống lúa lai, các giống cà phê lai tạo…); phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất cà phê... cũng giúp điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất. Điều này cũng giúp nông dân đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng thích ứng với BĐKH.

Nông dân ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar) áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên vườn cây ăn trái.

Trên thực tế, mô hình nông nghiệp thông minh được thực hiện khá thành công ở các vùng sản xuất nông nghiệp của Đắk Lắk. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được nhân rộng. Diện tích các loại cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm được gần 10.000 ha, trong đó có gần 5.000 ha áp dụng cho cây cà phê.

Ngoài ra, cần phải kể đến các chương trình phát triển cà phê bền vững đã liên kết nông hộ trong cùng một khu vực để thực hiện các giải pháp đồng bộ về nước tưới, quản lý đầu vào, xây dựng vùng đệm, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cũng được quan tâm đẩy mạnh. Trong năm 2021, các địa phương đã chuyển đổi được 377 ha sang trồng các loại cây khác như: khoai lang Nhật, đậu các loại, ngô… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa và giảm thiểu được lượng nước tưới cho cây trồng.

Tuy vậy, việc thực hành nông nghiệp thông minh tại Đắk Lắk đạt tỷ lệ chưa cao. Điều này liên quan đến một số rào cản về nguồn cung cấp đầu vào cho sản xuất như: thiếu hạt giống chất lượng; chi phí cao khi thực hiện các mô hình nông nghiệp tích hợp các thiết bị thông minh; những hạn chế trong tiếp cận tín dụng và thị trường, chi phí lao động cao và kiến thức, kỹ thuật… Giải quyết những rào cản này là một yêu cầu quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp thông minh trên quy mô rộng.

Trồng cà chua Nova ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng của nông dân xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột).

Mới đây, Dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (SACCR) đã được khởi động. Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh được hưởng lợi từ dự án đã mở ra nhiều cơ hội cho các nông hộ nhỏ tiếp cận với các giải pháp thích ứng với BĐKH. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, trong 5 năm triển khai, dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho hàng nghìn nông hộ ở Đắk Lắk bằng việc nâng cao năng lực thông qua đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và triển khai vùng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu... Các mục tiêu của dự án đề ra sẽ giúp người dân ở những khu vực này tiếp cận được các mô hình nông nghiệp thông minh, từng bước cải thiện sản xuất và cuộc sống.

Minh Thuận - Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.