Multimedia Đọc Báo in

Cơ sở trồng nấm huyện Krông Ana: Thiếu trầm trọng nguyên liệu đầu vào

08:31, 24/11/2021

Sau thời gian dài bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19, hiện nay là thời điểm để các cơ sở trồng nấm trên địa bàn huyện Krông Ana “vực dậy” sản xuất. Tuy nhiên, việc thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu đầu vào khiến các cơ sở và hộ dân gặp không ít khó khăn.

Là một trong những đơn vị sản xuất nấm quy mô lớn, Hợp tác xã (HTX) Nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana (thị trấn Buôn Trấp) có 15 thành viên tham gia liên kết. Với quy mô khoảng 10.000 m2, hằng năm HTX cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 120 tấn nấm các loại. Tuy nhiên, cả mấy tháng nay, các thành viên của HTX như "ngồi trên đống lửa" vì không có nguyên liệu để tái sản xuất.

Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc HTX cho biết, chỉ tính riêng tại cơ sở của gia đình bà, mỗi tháng cần khoảng 30 tấn mùn cưa (mùn cưa từ gỗ cây cao su) để đóng bịch, nhưng vì nguồn nguyên liệu khan hiếm nên hơn 50% nhà nấm phải dừng hoạt động. Hiện nay, giá mùn cưa khoảng 1,4 triệu đồng/tấn (tăng gấp đôi so với thời điểm bình thường), song người trồng nấm cũng không có để mua. Là cơ sở cung cấp phôi nấm cho nhiều trại nấm trong và ngoài tỉnh, mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 - 30.000 bịch, do đó việc thiếu nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của HTX mà còn làm gián đoạn quá trình sản xuất của nhiều cơ sở trồng nấm trong và ngoài tỉnh.

Trại nấm linh chi của hộ ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) được trồng từ hồi tháng 6-2021.

Tương tự, tại hộ ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp), với 5 trại nuôi trồng nấm có diện tích khoảng 700 m2, mỗi tháng gia đình ông cần khoảng 4 tấn nguyên liệu mùn cưa để đóng bịch phôi nấm, thế nhưng do thiếu nguyên liệu, hiện tại cơ sở chỉ có 3 trại có phôi, 2 trại bỏ không. Gắn bó với nghề trồng nấm hàng chục năm nay nhưng chưa có năm nào gia đình ông rơi vào cảnh gián đoạn quá trình sản xuất vì thiếu nguyên liệu như năm nay.

Ông Chỉnh chia sẻ, dịp này là thời điểm để nuôi trồng nấm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022, việc thiếu nguyên liệu trong thời điểm này khiến những hộ trồng nấm như gia đình ông đứng ngồi không yên. Trong năm 2021, nông dân trồng nấm đã phải đối mặt với khó khăn do sản phẩm làm ra không thể vận chuyển, nấm làm ra chủ yếu bán nội tỉnh, nay đầu ra sản phẩm ổn định thì không có nguyên liệu mà làm.

Còn đối với hộ anh Võ Ngọc Toàn (tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp) có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng nấm, đây là lần đầu tiên cơ sở của gia đình anh rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu mùn cưa nghiêm trọng. Với diện tích khoảng 1.000 m2, mỗi chu kỳ (3 - 4 tháng) gia đình anh cần khoảng 20 tấn mùn cưa nhập từ tỉnh Gia Lai về để nuôi trồng các loại nấm như bào ngư, sò và linh chi.

Thế nhưng, cả mấy tháng nay, do khan hiếm nguyên liệu nên hầu hết các trại nấm của gia đình bỏ không, chưa biết khi nào tái sản xuất trở lại. Nhìn mấy trại nấm bỏ không, anh Toàn thở dài cho hay, lẽ ra thời điểm này gia đình anh chỉ việc chăm sóc, chờ ngày thu hoạch nấm, nhưng vì thiếu nguyên liệu nên mới ra nông nỗi này. Nếu tình trạng khan hiếm nguyên liệu tiếp tục kéo dài thì e rằng Tết Nguyên đán năm nay gia đình anh không có nguồn thu.

Anh cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng có nguồn nguyên liệu mùn cưa, song hầu hết mùn tạp (mùn từ nhiều loại gỗ tạp) nên đưa vào trồng nấm sẽ không chất lượng như mùn cao su. Do vậy, thời điểm hiện tại cơ sở của gia đình anh phải chấp nhận bỏ không, chờ khi nào có nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng mới bắt đầu tái sản xuất. Vẫn biết, việc tạm dừng trồng nấm trong giai đoạn hiện nay sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của các thành viên trong gia đình, song nếu nhập nguồn nguyên liệu không bảo đảm thì năng suất, chất lượng cây nấm không như mong đợi.

Trại nấm của gia đình anh Võ Ngọc Toàn (tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) chỉ còn những xác phôi nấm đã tận thu.

Theo bà Đinh Thị Danh, tình hình dịch COIVD-19 diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu trồng nấm xảy ra trong thời gian qua. Trong đó, cao điểm nhất từ cuối tháng 8/2021 đến nay, nhiều xưởng chế biến gỗ ở các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bình Dương không có đơn đặt hàng, kéo theo hàng loạt xưởng tạm dừng hoạt động nên không có nguồn nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở trồng nấm.

Thêm vào đó, thời gian cao điểm dịch, nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên hoạt động vận chuyển tăng nhiều khoản chi phí cũng là nguyên nhân đẩy giá mùn cưa lên cao, gây khó khăn cho người trồng nấm. Thực trạng này không chỉ tác động đến chủ cơ sở mà còn khiến hàng trăm lao động tại địa phương không có việc làm. Điều này cũng dự báo giá các loại nấm (trừ nấm rơm – sử dụng rơm khô hiện tại vẫn chủ động được nguồn nguyên liệu) trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tăng cao, trong khi nông dân không có nguồn hàng để bán ra thị trường.

Huyện Krông Ana có 2 hợp tác xã, 4 trang trại, 1 tổ hợp tác trồng nấm và khoảng hơn 200 hộ trồng nấm thường xuyên. Hiện tại, các loại nấm chủ yếu và có giá trị kinh tế cao được trồng trên địa bàn như nấm: linh chi, sò, rơm, đầu khỉ, bào ngư…

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.