Huyện Krông Ana: Thu nhập ổn định từ mô hình nuôi bò lai
Nhờ có nguồn phế phẩm nông nghiệp dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Krông Ana, trong đó, mô hình nuôi bò lai đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân.
Nhiều năm nuôi giống bò cỏ ở địa phương, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năm 2016 gia đình anh Lê Thanh Hải (ở buôn Chuôi, xã Băng Adrênh) quyết định xây dựng 100 m2chuồng trại để chuyển đổi sang nuôi 13 con bò sinh sản lai giống Sind và 3B. Anh cũng chủ động trồng thêm 6 sào cỏ voi và mua rơm rạ trên địa bàn để đảm bảo nguồn thức ăn trong chăn nuôi.
Vào mùa đông, cỏ voi phát triển chậm, thiếu nguồn thức ăn cho bò, anh Hải đã tận dụng thân cây bắp đã thu trái để ủ chua. Bằng cách sử dụng 1 tấn thân cây bắp đã băm nhỏ và trộn với 5 – 7 lít mật rỉ, 0,5 kg men chuyên dụng, hỗn hợp này được ủ trong thùng phuy, sau 21 ngày lấy ra cho bò ăn. Thức ăn ủ theo cách này có thể để được 6 - 7 tháng mà không hư hỏng.
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Na (bìa phải) tham quan một mô hình chăn nuôi bò lai trên địa bàn xã. |
Theo anh Hải, giống bò lai này dễ chăm sóc, tăng trọng lượng nhanh. Để vật nuôi phát triển khỏe mạnh, việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại luôn phải được đảm bảo, tránh tình trạng một con bị bệnh có thể sẽ lây lan cho cả đàn. Vào thời kỳ bò mang thai và nuôi con, việc chăm sóc được đặc biệt chú trọng. Ngoài việc cung cấp cỏ, rơm, người chăn nuôi còn tăng lượng cám trong các bữa ăn, giúp bò sinh sản phát triển khỏe mạnh. Sau 8 tháng chăm sóc, bê con sẽ được xuất bán. Mỗi năm gia đình anh bán 12 con bê, trung bình 20 triệu đồng/con, trừ chi phí sản xuất, anh lãi 200 triệu đồng. Mặc dù vốn đầu tư nuôi bò lai khá lớn, nhưng bù lại có thu nhập cao, đầu ra thuận lợi hơn so với giống bò cỏ ở địa phương.
Gắn bó với việc chăn nuôi bò lai sinh sản 7 năm nay, hiện gia đình anh Lương Công Nhật (thôn Tân Tiến, xã Ea Na) đã có thu nhập ổn định từ mô hình này. Ban đầu anh Nhật mua 7 con bò lai từ tỉnh Bến Tre về nuôi thử nghiệm. Sau thời gian chăm sóc, anh nhận thấy đàn bò phát triển tốt, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Anh đã quyết định mở rộng quy mô nuôi lên 20 con bò sinh sản, giống lai Angus và Charolais.
Mỗi năm anh xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 15 - 17 con bê, giá trung bình 20 triệu đồng/con, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, gia đình anh cũng đầu tư chuồng trại, kho để rơm, máy băm cỏ, lắp đặt camera để thuận tiện việc theo dõi, chăm sóc... với tổng kinh phí 400 triệu đồng.
Anh Nhật cho biết, mặc dù giá cám tăng cao đã ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, tuy nhiên, ngoài việc bán bò giống, nguồn phân bò thu từ chuồng trại khoảng hơn 100 tấn/năm được bán cho thương lái cũng đã giúp gia đình anh giảm được rất nhiều chi phí sản xuất. Cùng với đó, gia đình cũng tận dụng được nguồn phân bò bón cho 2,5 ha cây ăn trái.
Mô hình nuôi bò lai sinh sản của gia đình anh Lương Công Nhật (thôn Tân Tiến, xã Ea Na). |
Không dừng lại ở việc nuôi bò lai sinh sản, anh Nhật còn dự tính sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi để phát triển chuỗi cung ứng thịt bò thương phẩm từ các giống bò lai này. Đồng thời, xây dựng thêm khu chuồng trại để nuôi bò sữa, vừa cung cấp con giống, vừa sản xuất, chế biến một số sản phẩm sữa bò tươi, sữa chua… tạo dựng thương hiệu, liên kết với các siêu thị, nhằm hướng đến việc phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian tới.
Với mong muốn phát triển chăn nuôi bền vững, anh Nhật đã cùng một số người dân trên địa bàn huyện Krông Ana liên kết với nhau thành lập Hội chăn nuôi bò lai với số lượng nuôi hơn 100 con bò giống. Các thành viên trong hội luôn nhiệt tình hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc, con giống, cung ứng vật tư đầu vào… nhằm nâng cao giá trị, chất lượng cho mô hình bò lai ở địa phương.
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Krông Ana, hiện có hơn 200 con bò lai được nuôi ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh, nguồn rơm rạ dồi dào đã tạo thuận lợi cho việc chăn nuôi bò lai, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Để xây dựng mô hình chăn nuôi các giống bò lai này, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế cao, rủi ro thấp, không mất nhiều công chăm sóc. Hội Nông dân huyện đã vận động người dân chú trọng đến kỹ thuật, chất lượng và khuyến khích mở rộng mô hình chăn nuôi, góp phần vào công tác chuyển đổi vật nuôi ở địa phương.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc