Multimedia Đọc Báo in

Người đam mê nông nghiệp hữu cơ

08:11, 01/08/2022

Cũng như nhiều hộ dân địa phương, trước đây gia đình anh Nguyễn Đại Dương (SN 1977, thôn Lộc Yên, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) canh tác cà phê theo phương thức truyền thống, nhưng năng suất, chất lượng giảm dần, không được như mong đợi.

Năm 2018, việc tham gia chương trình khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh đã giúp anh Dương thay đổi suy nghĩ, hiểu hơn về nông nghiệp sạch, từ đó nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp bằng chính sản phẩm nông nghiệp. Anh tìm hiểu, học hỏi quy trình chế biến cà phê đặc sản từ các lớp bồi dưỡng, đào tạo ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt để áp dụng sản xuất hữu cơ cho 3 ha cà phê của gia đình. Để thuận lợi cho việc kết nối, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê địa phương, năm 2019 anh đã vận động người dân thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC, đứng chân trên địa bàn xã Phú Lộc (huyện Krông Năng).

Với 12 thành viên và liên kết với 40 hộ dân trồng cà phê ở xã Ea Toh và Phú Lộc, HTX có tổng diện tích sản xuất 50 ha với mục tiêu xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Người dân tham gia vào HTX được hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, thu hái quả chín đạt 100%, tuân thủ các quy định an toàn, thân thiện với môi trường, được thu mua với giá cao, thu nhập tăng thêm 15 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Đại Dương hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc cà phê hữu cơ. 

HTX sản xuất cà phê nhân và cà phê bột, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà cả các tỉnh ngoài như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lâm Đồng… Nhờ đó, người dân địa phương đã dần thay đổi thói quen, tư duy trong việc sản xuất cà phê, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học để bảo vệ môi trường, giúp cây phát triển bền vững, tăng thu nhập trên một diện tích. Tâm huyết với cà phê đặc sản, anh Dương đã tìm kiếm, phối hợp với các chương trình, dự án để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ khởi nghiệp… trong và ngoài tỉnh nhằm kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Cũng nhờ sự nhạy bén, tích cực đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, lan tỏa sản phẩm cà phê hữu cơ đã tạo cơ hội cho anh liên kết với các thành viên của Công ty cổ phần Thực phẩm GC Food (TP. Hồ Chí Minh) để thành lập thêm Công ty cổ phần Banzai Tây Nguyên đóng chân trên địa bàn xã Ea Tân (Krông Năng). Công ty cổ phần Banzai Tây Nguyên đang từng bước xây dựng vùng nguyên liệu, tạo chuỗi sản xuất, chế biến sâu và bao tiêu các sản phẩm hữu cơ như: cà phê, sầu riêng, mắc ca, bơ… đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu sang Nhật Bản. Được thành lập từ tháng 5 vừa qua, hiện công ty đang triển khai sản xuất trên diện tích hơn 10 ha và xây dựng nhà máy chế biến, trang bị máy móc, thiết bị để bắt đầu cho ra mắt sản phẩm cà phê, mắc ca.

Khách hàng tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê đặc sản của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC tại Chương trình khởi nghiệp xanh ở tỉnh Quảng Nam.

Không dừng lại ở đó, anh Dương còn ấp ủ dự định phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp xanh rộng khoảng 2 ha, kết hợp quảng bá văn hóa, lịch sử, ẩm thực địa phương tại khu căn cứ cách mạng thuộc xã Dliê Ya. Mô hình này đang được anh đầu tư xây dựng và sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Theo anh Dương, khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ là một hành trình dài, còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với ý chí kiên định trên con đường đã chọn, anh đang tiếp tục nỗ lực, học hỏi, lan tỏa nhằm thay đổi nhận thức của người dân để chung tay tạo giá trị trong sản xuất, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.