Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội cho phát triển nông nghiệp hữu cơ

17:33, 29/01/2017

Người tiêu dùng đang ngày càng tìm đến nhiều hơn với những thực phẩm an toàn. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những bước đi cần thiết, kịp thời để đáp ứng nhu cầu trên và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững… 

Những bước chân đầu tiên 

Khi nói đến NNHC, người làm nông nghiệp của tỉnh đều biết đến hai mô hình trồng rau hữu cơ do người Nhật làm tại TP. Buôn Ma Thuột. Đó là mô hình của Công ty TNHH Liên kết nông dân do ông Katayama Motoosa (68 tuổi) làm chủ và mô hình của Công ty TNHH Nico Nico Yasai của ông Shiokawa Minoru (33 tuổi).

Chị Karin Noto, sinh viên thực tập người Nhật Bản tìm hiểu quy trình sản xuất rau sạch của Công ty Nico Nico Yasai
Chị Karin Noto, sinh viên thực tập người Nhật Bản tìm hiểu quy trình sản xuất rau sạch của Công ty Nico Nico Yasai.

Năm 2008, ông Motoosa sang Việt Nam trong vai trò là một tình nguyện viên của Chương trình phổ cập Kỹ thuật NNHC tỉnh Đắk Lắk.  Ông Motoosa tâm sự: “Khi còn ở bên Nhật, tôi có nghe nói khí hậu và thổ nhưỡng tại vùng Tây Nguyên rất hợp cho trồng trọt. Quả thật các bạn có một vùng đất thật tuyệt vời, nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là NNHC”. Năm 2013, Chương trình kết thúc, nhiều người trở về Nhật, nhưng với tâm huyết của mình, ông thành lập Công ty TNHH Liên kết nông dân để thực hiện ước mơ của mình. 

Ông Motoosa dành 2 năm để cải tạo đất, đến nay Công ty đã có 4 ha trồng rau hữu cơ. Hiện mỗi ngày Công ty xuất ra thị trường khoảng 100 kg rau hữu cơ qua hình thức đặt hàng qua điện thoại và giao rau đến tận nhà. Ông Motoosa cho biết: “Các loại rau, củ, quả trồng ở đây đều được phát triển tự nhiên; quy trình trồng và thu đều ghi chép cụ thể; tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu mà chỉ phòng trừ sâu bệnh bằng cách phủ lưới; riêng những loại rau ăn quả hay bị rầy phá hoại thì tôi dùng lá xoan Ấn Độ và ớt, xay nhuyễn pha loãng với nước rồi phun lên lá...”.

 

NNHC Đắk Lắk bắt đầu có điều kiện phát triển cho dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Song chúng tôi hy vọng rằng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc huấn luyện, cung cấp công nghệ, tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và sự quyết tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền sẽ thúc đẩy NNHC của tỉnh từng bước phát triển trong tương lai.

 

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

 

Cũng nhận thấy tiềm năng phát triển về rau hữu cơ, năm 2011 ông Shiokawa Minoru phối hợp với các thực tập sinh Việt Nam tại Nhật thành lập Công ty TNHH Nico Nico Yasai với mục tiêu phát triển rau hữu cơ. Đến nay, Công ty đã có 5.000 m2 trồng rau an toàn tại TP. Buôn Ma Thuột và đang mở rộng thêm 5.000 m2 ở huyện Krông Bông, 6.000 m2 tại huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) và 3.000 m2 tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Hiện, mỗi ngày Công ty Nico Nico Yasai sản xuất khoảng 100 kg rau hữu cơ... nhưng chủ yếu cung cấp cho một số hệ thống siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh như AEON, Tokyo Mart và Family Mart... Anh Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Nông trại Nico Nico Yasai tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Tại thị trường Buôn Ma Thuột, tuy người tiêu dùng rau hữu cơ có tăng nhưng vẫn chưa đáng kể do giá rau khá cao so với thu nhập trung bình. Chúng tôi rất mong có thể tăng thêm sản lượng để giảm giá thành, nhưng không thể mở rộng ồ ạt vì phải đảm bảo chất lượng rau...”.

Cơ hội rộng mở

Đắk Lắk có diện tích đất tự nhiên hơn 1,3 triệu ha; trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp gần 540.000 ha, là một tiềm năng lớn để phát triển NNHC. 

Hiện sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phát triển tương đối toàn diện, sản lượng lương thực và nông sản hàng hóa ngày càng nhiều đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Nhưng sản xuất vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững, bên cạnh đó việc lạm dụng phân bón hóa học, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và làm giảm chất lượng nông sản... Do đó, phát triển NNHC chính là hướng đến các sản phẩm tiêu dùng gần với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống. Ông Phan Qua, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, người từng có nhiều năm nghiên cứu về NNHC nhận định: “Đắk Lắk có một lợi thế chính là đất đai và nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Đây chính là cơ sở cần thiết cho việc phát triển NNHC. Sản xuất NNHC không phải là vấn đề kỹ thuật, mà chủ yếu là vấn đề tổ chức sản xuất, quản lý chuỗi sản phẩm và tiêu thụ với giá mà nông dân chấp nhận được từ đó hướng đến xuất khẩu”.

Nhân viên Công ty TNHH Liên kết nông dân sơ chế rau hữu cơ trước khi đưa đến người tiêu dùng
Nhân viên Công ty TNHH Liên kết nông dân sơ chế rau hữu cơ trước khi đưa đến người tiêu dùng.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, phương pháp canh tác hữu cơ có phần tương đồng với cách chăm sóc của đồng bào dân tộc thiểu số. “Về mặt cơ bản NNHC chủ yếu sử dụng các nguồn hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc hóa học ảnh hưởng đến sản phẩm; đồng bào dân tộc thiểu số cũng canh tác theo hình thức tự nhiên... nên đây cũng là cơ hội để phát triển NNHC ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Thích nói.

Ông Thích cũng cho rằng, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách để đào tạo nguồn nhân lực nhằm hướng đến phát triển nền NNHC nói riêng và nông nghiệp bền vững nói chung. Trước mắt, cần tập trung vào huấn luyện kỹ năng làm NNHC cho nông dân; khi có kỹ năng tốt thì sẽ tiếp tục đào tạo ở mức cao hơn, tránh tình trạng khi nhà đầu tư đến nhưng nhân lực không có thì càng khó trong việc phát triển NNHC.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.