Canh tác rau hữu cơ thuận tự nhiên không khó
Nông trại rau Hạnh Nhân của gia đình anh Nguyễn Thế Hạnh (ở thôn 8, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) vừa được Tổ chức chứng nhận VSCB trao chứng nhận Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-2:2017).
Đây là mô hình rau hữu cơ đầu tiên của TP. Buôn Ma Thuột được UBND thành phố hỗ trợ, Trạm Khuyến nông thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai từ 2 năm qua, đến nay đã đáp ứng các tiêu chí chứng nhận hữu cơ, sau khi được cấp chứng nhận “chuyển đổi hữu cơ” từ cuối năm 2021.
Trang trại rau hữu cơ Hạnh Nhân canh tác nhiều giống rau ăn lá các loại. |
Trang trại của anh Hạnh hiện canh tác nhiều giống rau ăn lá các loại (các loại rau thơm, xà lách, cải xanh, củ cải, đậu bắp, cà tím…); dù không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật cũng như phân hóa học nhưng rau vẫn phát triển tốt. Theo anh Hạnh, canh tác rau hữu cơ “thuận tự nhiên” không khó bởi khi người trồng hiểu được mối quan hệ tương hỗ giữa cây trồng, môi trường, sâu hại, thiên địch (sinh vật khống chế sâu hại) trong hệ sinh thái tự nhiên và có sự tác động phù hợp, bảo vệ cân bằng hệ sinh thái thì sẽ hạn chế thấp nhất dịch hại xảy ra.
Theo đó, trong 5 năm qua, anh Hạnh đã “thuần hóa” khu vườn 3 ha rau hữu cơ mà trước kia sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, thông qua việc trả lại một lượng lớn hữu cơ cho đất cùng với nguồn nước tưới tiêu sạch và không sử dụng hóa chất. Nhờ vậy, cây rau màu lấy dinh dưỡng dễ dàng hơn trên nền đất tơi xốp, cho năng suất và chất lượng tốt.
Anh Hạnh chia sẻ, để thành công trong mô hình canh tác hữu cơ thuận tự nhiên thì việc đầu tiên là tìm được vùng đất canh tác phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu như đất không bị ô nhiễm, duy trì và tăng cường độ phì của đất tự nhiên, sự ổn định và tơi xốp của đất, chống xói mòn đất và giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng chủ yếu thông qua hệ sinh thái đất. Dùng chủ yếu nguồn phân hữu cơ hoai mục được tái chế từ chất thải và phụ phẩm nông nghiệp thông qua xử lý sinh học. Lựa chọn giống cây trồng kháng sâu bệnh phù hợp, sử dụng biện pháp luân canh thích hợp, bảo vệ thiên địch trên vườn rau. Khu vực sản xuất rau hữu cơ phải có vùng đệm xung quanh để khoanh vùng cách nhau với khu sản xuất không phải hữu cơ, cách xa khu vực tập kết rác thải, ô nhiễm… Không đốt các tàn dư thực vật trong thảm thực vật vườn rau (trừ trường hợp tàn dư bị sâu bệnh, thu gom lại ở góc vườn để đốt). Đồng thời, nguồn nước tưới cho rau hữu cơ phải sạch, tuyệt đối không tưới nguồn nước bị ô nhiễm cho rau. Không được sử dụng phân bắc để bón cho rau hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ. Có thể trồng xen các loại cây xua đuổi côn trùng gây hại hoặc trồng cây dẫn dụ thiên địch để khống chế sâu hại. Phải luân canh các loại giống rau trên cùng diện tích để thay đổi ký chủ thường xuyên, nhằm hạn chế thấp nhất mật độ sâu hại trên vườn.
Nông trại rau của anh Nguyễn Thế Hạnh đượcn Chứng nhận Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-2:2017). |
Được biết, hiện mỗi năm Farm Hạnh Nhân cung cấp ra thị trường khoảng 58 - 60 tấn rau hữu cơ các loại, tương đương mỗi ngày bình quân khoảng 200 kg rau hữu cơ, cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh (80%) và một số cơ sở phân phối rau an toàn tại TP. Buôn Ma Thuột. Với giá bán bình quân tại TP. Hồ Chí Minh là 40 nghìn đồng/kg (có loại bán lên đến 80 nghìn/kg), thu nhập từ rau hữu cơ mang lại cho gia đình anh Hạnh cao hơn nhiều so với một số loại cây nông nghiệp khác tại địa phương. Ngoài ra, Farm Hạnh Nhân còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động, lúc cao điểm lên đến 15 người. Dự kiến thời gian tới anh Hạnh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trang trại, tổ chức liên kết với nông dân để nâng cao thu nhập, phát triển bền vững hơn.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc