Phòng ngộ độc hữu cơ cho lúa
Vụ hè thu vừa qua, sau khi thu hoạch, nhiều nông dân không thu gom hết phần rơm rạ mà rải, cày vùi dập lại trên ruộng để tiếp tục gieo sạ vụ đông xuân 2022 - 2023, với mục đích “trả lại hữu cơ cho đất”.
Tuy nhiên điều này vô tình gây ra triệu chứng lúa vàng, khô lá cho lúa ở vụ mùa kế tiếp. Những chỗ ruộng bị vàng lá nặng là khu vực tập trung nhiều rơm rạ, trong đó có cả những hạt lúa lửng sót lại từ vụ hè thu tiếp tục nảy mầm trong vụ đông xuân, làm cho ruộng lúa dày đặc hơn, càng thiếu ánh sáng để cây lúa quang hợp, lúa hạn chế đẻ nhánh, nhấp nhô nhiều tầng do không đồng nhất về giống.
Cây lúa bị ngộ độc hữu cơ có bộ rễ phát triển kém hơn. |
Lớp rơm rạ bị vùi dưới nước bị thiếu oxy nên vi sinh vật kỵ khí (là vi sinh vật sống không cần oxy) phát triển để phân hủy rơm rạ. Quá trình phân hủy rơm rạ trong nước đã tạo ra một số chất như: mêtan (CH4), sulfide hydro (H2S), amoniac (NH3), acid hữu cơ… và những chất mùn. Trong đó, sulfide hydro (H2S) và acid hữu cơ là những chất gây độc cho bộ rễ lúa. Thường thì ở 3 - 4 tuần đầu sau khi làm đất có chôn vùi rơm rạ ngập nước sẽ tạo ra nhiều loại chất độc gây hại cho rễ lúa; chưa kể ở đất phèn, khi chôn vùi rơm rạ vào đất trong tình trạng ngập nước sẽ làm gia tăng ngộ độc từ sắt (Fe2+) đối với cây lúa. Khi phát hiện triệu chứng vàng, khô lá, chủ ruộng đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bơm nhưng không hiệu quả.
Đối với những ruộng bị vùi rơm rạ sau thu hoạch vụ hè thu 2022, khi gieo lúa đông xuân tiếp theo, ở thời kỳ đầu, rễ lúa chưa phát triển mạnh chỉ lấy dinh dưỡng tầng đất trên cùng, rễ chưa bị ngộ độc nên cây lúa vẫn phát triển bình thường. Bắt đầu thời kỳ đẻ nhánh, rễ lúa ăn sâu hơn để tìm dinh dưỡng nuôi cây, đồng thời lúc này trong tầng đất quá trình phân hủy rơm rạ cũng đã diễn ra, rễ cây lúa sẽ bắt gặp các loại khí độc đã phát sinh từ rơm rạ phân giải, nên rễ lúa dễ bị thối, không lấy được dinh dưỡng, lá lúa bị vàng và khô dần.
Để hạn chế tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ như trên, trong quá trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nông dân cần quan tâm xử lý đúng kỹ thuật tất cả các công đoạn có liên quan. Rơm rạ nếu được ủ hoai mục đúng kỹ thuật sẽ phân hủy thành những dưỡng chất tốt cho cây lúa và cải tạo đất đai từ nguồn dinh dưỡng và khoáng chất cao như đạm, lignin, xenlulozo, chất béo…
án bộ Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ. |
Người sản xuất lúa không nên để cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ rồi mới trừ bệnh, mà cần áp dụng kỹ thuật tốt để phòng ngộ độc hữu cơ. Cụ thể, sau khi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn, nên gom rơm rạ lại và ủ hoai mục theo quy trình hướng dẫn chuyên môn để tạo một lượng phân hữu cơ chất lượng bón lót lại cho đất. Những gốc rạ còn trên ruộng nên cày lật phơi ải, để rơm rạ được phân hủy ít nhất một tháng, và chỉ sạ lúa sau khi cho đất ngập nước từ 2 - 3 tuần, rơm rạ đã tạo ra nguồn dinh dưỡng hữu hiệu cho lúa.
Trong trường hợp không cày ải được vì phải gieo sạ lại ngay sau khi thu hoạch, phải cắt gốc rạ (dùng máy cắt gốc rạ) và di chuyển hết rơm và gốc rạ ra khỏi ruộng trước khi làm đất. Rơm rạ này có thể ủ mục (cùng nấm Trichoderma sp), làm phân hữu cơ bón lại cho đất. Nếu không cắt được gốc rạ để di chuyển ra khỏi ruộng, phải áp dụng biện pháp rút nước ra khỏi ruộng ở thời điểm 15 và 30 ngày sau khi sạ. Nước được rút khô kiệt ít nhất 5 ngày, đến khi mặt ruộng nứt (như vết chân chim) thì vô nước lại, bón phân. Chọn giống lúa có khả năng chống chịu tốt với điều kiện đất phèn và nhiều hữu cơ. Có thể xử lý đất bằng vôi bột để làm giảm độ chua, tiêu diệt mầm mống sâu bệnh hại trên những chân ruộng bị chua trước khi gieo sạ. Trước khi gieo sạ, ruộng phải được làm sạch cỏ, phay đất nhuyễn bùn, san phẳng mặt ruộng và tháo nước để vừa đủ ẩm cho cây lúa nảy mầm, sinh trưởng tốt. Điều tiết nước hợp lý, kết hợp với làm cỏ, sục bùn cho rễ lúa hô hấp mạnh, hấp thu dinh dưỡng nuôi cây.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc