Multimedia Đọc Báo in

Người chăn nuôi vịt lao đao vì “bão giá”

08:19, 08/06/2023

Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi vịt ở huyện Krông Ana gặp nhiều khó khăn nên chỉ dám nuôi cầm chừng hoặc “treo chuồng” để tránh thua lỗ.

Xã Bình Hòa có gần chục trang trại nuôi vịt đẻ trứng, với tổng đàn khoảng 40.000 con. Thế nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi vịt gặp khó, các trang trại chỉ nuôi cầm chừng; nhiều chủ trại không dám tái đàn, mở rộng quy mô, thậm chí còn giảm đàn mạnh hoặc nghỉ nuôi. Hiện, tổng đàn vịt trên địa bàn xã chỉ còn khoảng hơn 10.000 con.

Gia đình ông Vũ Đình Bảy (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa) là hộ nuôi vịt đã nhiều năm nay. Tận dụng vườn tược rộng rãi, gia đình ông đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại để nuôi vịt với quy mô 500 m2. Hiện gia đình ông nuôi 2.800 con vịt đẻ trứng kết hợp với lò ấp trứng. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 quả trứng, 12.000 - 13.000 vịt con. Với mô hình chăn nuôi này, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. Thế nhưng hơn một năm nay, ông Bảy đã phải bù lỗ vì thức ăn cho vịt tăng giá liên tục. Ông Bảy cho biết, sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn tăng cao liên tục, từ 300.000 - 320.000 đồng/bao loại 40 kg thì nay lên tới 440.000 - 490.000 đồng/bao. Trung bình mỗi bao cám tăng thêm khoảng 120.000 - 140.000 đồng (tùy vào từng loại cám).

Giá cám tăng cao khiến việc chăn nuôi vịt của gia đình Vũ Đình Bảy (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa) gặp khó khăn.

Theo ông Bảy tính toán, đàn vịt của gia đình ông trung bình ăn hết 11 bao cám/ngày, như vậy chi phí thức ăn đã hết gần 4,9 triệu đồng/ngày, chưa kể công chăm sóc và các chi phí khác. Trong khi đó, giá trứng vịt không tăng, thậm chí còn giảm. Hiện, trứng vịt chỉ bán được với giá 2.900 đồng/quả (có thời điểm rớt xuống chỉ còn 2.500 - 2.600 đồng/quả), với mức bán này thì người nuôi chỉ đủ vốn chứ chưa có lãi. "Nếu như trước đây, mỗi ngày gia đình tôi thu lãi khoảng 1,6 triệu đồng từ bán trứng và vịt con thì nay số tiền này được dùng để bù vào tiền thức ăn. Dù không có lãi nhưng tôi vẫn phải cố gồng để duy trì đàn vì nuôi vịt là nghề chính mang lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi, bỏ nuôi thì không biết làm gì để sinh sống. Còn trong thời gian tới nếu giá cám vẫn tiếp tục tăng thì tôi chỉ còn cách “treo” chuồng", ông Bảy than thở.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Điện (thôn 1, xã Bình Hòa) được biết đến là một trong những hộ nuôi vịt quy mô lớn ở địa phương, với thâm niên hơn 30 năm. Thế nhưng, gần một năm nay, ông buộc phải “treo” hai trang trại nuôi vịt rộng 1.000 m2 của gia đình trước những đợt tăng giá liên tục của thức ăn chăn nuôi để tránh thua lỗ. Những năm trước, trên diện tích này, ông luôn duy trì đàn vịt đẻ trứng, với số lượng hơn 5.000 con. Mỗi ngày trang trại của gia đình ông tiêu thụ khoảng 7,5 tạ cám. Trước đây, khi giá cám chưa tăng thì mỗi ngày gia đình ông chi khoảng 6,1 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn vịt. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, giá cám tăng cao nên chi phí thức ăn tăng thêm hơn 3 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, mỗi ngày vịt đẻ được 4.000 trứng nhưng giá bán chỉ dao động từ 2.300 - 2.500 đồng/quả. Như vậy, số trứng bán ra chỉ thu được 10 triệu đồng/ngày trong khi chi phí tiền cám đã hơn 9 triệu đồng/ngày. Trừ các khoản chi phí khác như điện thắp sáng, bơm nước, thuốc men… thì ông Điện không những không có lãi mà còn lỗ khoảng 700.000 - 800.000 đồng/ngày. Sau nửa năm “gồng” lỗ, đến tháng 6/2022, ông Điện đã quyết định “treo” chuồng. Ông Điện cho hay, với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với các khoản chi khác khiến cho chi phí đầu vào của nghề nuôi vịt cao nên người nuôi khó có lãi, thậm chí phải bù lỗ. Trong thời điểm này, nếu người chăn nuôi tái đàn chắc chắn lỗ, quy mô càng lớn, tổng đàn nhiều thì càng lỗ nặng nên ông vẫn chưa dám tái đàn.

Giá cám tăng cao khiến việc chăn nuôi vịt của gia đình Vũ Đình Bảy (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa) gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana Y Thắng Bđáp cho biết, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có khoảng 50 hộ chăn nuôi vịt đẻ trứng (với quy mô từ 1.000 – 3.000 con), chủ yếu được nuôi tại địa bàn thị trấn Buôn Trấp và các xã Bình Hòa, Dur Kmăl… Nhiều năm qua, nuôi vịt là nghề đem lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên hiện nay, với giá trứng vịt đang xuống thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập cũng như khả năng xoay vòng vốn để tái đàn của người nuôi. Bởi, thông thường sau một năm thì năng suất vịt đẻ trứng sẽ giảm, người nuôi phải tiến hành thay giống, sau ba tháng nuôi thì vịt mới có thể đẻ trứng nên cần rất nhiều chi phí đầu tư.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, Hội cũng đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân... để đầu tư, tái đàn; đồng thời khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để đa dạng nguồn thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, hiện nay các hộ nuôi vịt chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ và bán sản phẩm cho thương lái nên giá cả bấp bênh. Do đó, Hội cũng đang vận động các hộ nuôi vịt trên địa bàn huyện liên kết lại với nhau thành hợp tác xã chăn nuôi vịt để các thành viên cùng hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm đầu ra ổn định, bớt được chi phí ở khâu trung gian.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.