Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp

08:18, 28/09/2023

Để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Cư Kuin đã triển khai xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi, tổ chức nạo vét kênh mương, xây dựng kế hoạch điều tiết nước theo vùng, liên vùng, cấp nước luân phiên vào các giai đoạn cần thiết với cây trồng...

Kỳ vọng vụ lúa hè thu

Vụ hè thu năm 2023, huyện Cư Kuin gieo trồng được 4.849 ha cây ngắn ngày, đạt 100,04% kế hoạch. Hiện tại, người dân đang tiến hành thu hoạch diện tích lúa hè thu với năng suất bình quân 6,65 tấn/ha.

Để bảo đảm hiệu quả trong sản xuất vụ hè thu năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với UBND các xã thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp với khuyến nông viên cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại kịp thời và hiệu quả. Nhìn chung cây lúa vụ hè thu năm 2023 sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất ổn định, một số trà lúa sớm tại cánh đồng Ea Bhíh (xã Ea Bhốk) và thôn 1 (xã Ea Hu) cho năng suất khá cao, 7 tấn/ha.

Ghi nhận thực tế tại cánh đồng buôn Ea M’tá (xã Ea Bhốk), lúa đã chuyển sang màu vàng óng, một số ít diện tích lúa bị ngập, đổ sau trận mưa lớn phải gặt bằng tay còn lại người dân đều sử dụng phương tiện cơ giới để gặt lúa. Ông Y Bhut Kpơr, Trưởng buôn Ea M’tá A cho biết, cánh đồng hạ lưu hồ Ea M’tá có diện tích 34,48 ha. Khoảng 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều trận mưa lớn kéo dài khiến một phần diện tích lúa ở vùng trũng thấp bị ngập đổ nhưng không đáng kể, hiện người dân đang tập trung thu hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần tới.

Tại xã Ea Hu, 8 cánh đồng lúa với 444 ha lúa đã được gieo sạ trong vụ hè thu cũng đang bước vào thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã Ea Hu cho hay, những ngày đầu tháng 8, trên địa bàn xuất hiện nhiều cơn mưa lớn bất thường, tuy nhiên nước từ hồ Ea M’tá theo suối Ea Puôr chảy về không tăng hơn so với mọi năm, không gây ảnh hưởng đến lúa của bà con. Với năng suất đạt 6,6 - 7 tấn/ha, người dân phấn khởi và kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu.

Người dân xã Ea Bhốk sử dụng phương tiện cơ giới gặt lúa trên cánh đồng Ea M'tá, xã Ea Bhốk.

Chủ động điều tiết nước

Trên địa bàn huyện Cư Kuin hiện có 67 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó, UBND các xã quản lý 42 công trình, còn lại do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk – Chi nhánh huyện Cư Kuin quản lý. Tổng chiều dài hệ thống kênh mương trên toàn huyện là 123,7 km, trong đó có 86,59 km đã được kiên cố hóa, chiếm tỷ lệ 70%, đảm bảo tưới chủ động cho 86% diện tích cây trồng có nhu cầu nước tưới của toàn huyện.

Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Chi nhánh huyện Cư Kuin - Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, lượng nước đổ về các hồ chứa rất lớn, công ty đã chủ động thực hiện các phương án điều tiết nước vừa bảo đảm an toàn hồ chứa, vừa bảo đảm nước sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn hồ đập và bảo đảm nguồn nước cho sản xuất cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ chính quyền địa phương, các ban, ngành để sẵn sàng ứng phó tình huống “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” có thể xảy ra vào mùa mưa bão.

Để chủ động phòng, chống thiên tai có thể xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk - Chi nhánh Cư Kuin phối hợp với UBND các xã tổ chức phương án bảo vệ, ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập và hồ chứa trong phạm vi quản lý; nắm chắc tình hình mưa, bão; vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy trình nhằm đảm bảo an toàn cho công trình; xả lũ các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý khi có yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Lê Phú Hanh cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động phối hợp để triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó phù hợp; chỉ đạo lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ công tác cứu hộ, cứu trợ khẩn cấp trên địa bàn để hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản cho nhân dân.

Nguyên Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.