Multimedia Đọc Báo in

Giảm phát thải carbon trong trồng lúa: Hành trình hướng đến sản xuất xanh

08:25, 16/01/2024

Với lợi thế đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về sản xuất lúa, Đắk Lắk đang hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, giảm phát thải carbon trong sản xuất để nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh.

Lợi thế nhưng nhiều thách thức

Tại Đắk Lắk, diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100.000 ha, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt gần 70 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm.

Diện tích lúa được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn, trong đó có 5 huyện diện tích lúa lớn hơn 10.000 ha như Ea Súp (24.000 ha), (Krông Pắc) 16.000 ha, Lắk (14.000 ha), Ea Kar (13.000 ha), Krông Ana (12.000 ha). Những địa phương này đã hình thành được các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Đáng chú ý, nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu thay đổi phương pháp sản xuất như: sử dụng giống lúa chất lượng cao, nhiều giống lúa mới có chất lượng được công nhận; sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị cho hạt gạo và tăng thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, chất lượng gạo cũng được đánh giá tốt hơn những vùng khác do đặc thù của điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu… Tất cả tạo ra lợi thế phát triển ngành lúa gạo của Đắk Lắk.

Nông dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) chăm sóc lúa nước.

Mặc dù lợi thế lớn nhưng sản xuất lúa nước ở Đắk Lắk cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa chưa nhiều; liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm ngành hàng bước đầu đã hình thành, nhưng phần lớn mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có nhiều sản phẩm lúa gạo chất lượng cao có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Theo thống kê, mỗi năm, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, sản xuất lúa nước chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; chăn nuôi chiếm khoảng 19%; sử dụng phân bón và quản lý đất chiếm 13%; đốt tàn dư thực vật gây phát thải chiếm khoảng 1,6%.

Mặt khác, hoạt động trồng lúa cũng đang tạo ra không ít thách thức cho môi trường do sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, cho đến thói quen canh tác kiểu cũ tạo ra nhiều khí nhà kính và bụi môi trường từ việc đốt rơm trên ruộng, vứt bỏ trấu xuống kênh mương…

Triển vọng từ trồng lúa carbon thấp

Hiện nay, sản xuất lúa nước chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…

Chính vì vậy, giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk mong muốn đạt được nhằm tạo sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, cũng như xây dựng thương hiệu nông sản thân thiện với môi trường và chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028. Điều này buộc ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách làm để tiếp cận với nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới. Để làm được điều này, các giải pháp được đưa ra là thúc đẩy quản lý nước thông qua hình thức tưới khô ướt luân phiên và áp dụng tối ưu các nguyên liệu đầu vào sản xuất lúa thông qua kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1 phải: phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 giảm: giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch). Bên cạnh đó là áp dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa để giúp nông dân quyết định tốt hơn về lượng nước tối ưu cần sử dụng.

Nông dân ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) làm đất chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sản xuất lúa phát thải thấp phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, chất lượng cao của tỉnh và mở ra những triển vọng mới cho cây lúa của Đắk Lắk. Cùng với cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 (COP26) là phải giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nên việc chuyển đổi sang trồng lúa carbon thấp đang trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành hàng lúa gạo của Đắk Lắk cũng như của Việt Nam hiện nay.

Để hiện thực hóa điều này, Đắk Lắk đã hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất lúa giảm phát thải carbon với diện tích trên 4 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Đây là một sự đột phá, tiên phong của Đắk Lắk đối với sản xuất lúa nước để ngành lúa gạo Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung cùng phát triển song song với định hướng chung của ngành lúa gạo mà Bộ NN-PTNT, Chính phủ đã đề ra.

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon (doanh nghiệp triển khai mô hình) cho biết, mô hình lúa đang thí điểm tại Đắk Lắk được triển khai theo quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất. Đây là một giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt, khô xen kẽ (Alternate wetting and drying hay gọi tắt là AWD) của Viện Lúa quốc tế IRRI, kết hợp với các chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và quy trình bao tiêu báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon. Mô hình này sẽ giúp sản xuất lúa giảm sự phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học lên đến hơn 40%; tăng năng suất từ 15 - 20%; thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất canh tác lúa, gạo sạch hơn… Với giải pháp này, cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp, tuy nhiên, nhiều vùng trồng lúa ở Đắk Lắk hiện có hệ thống thủy lợi khá tốt nên vấn đề này không đáng lo ngại. Vấn đề hiện nay là cần làm tốt công tác truyền thông để người nông dân hiểu được cách làm mới, nâng cao nhận thức sản xuất gắn với môi trường để làm ra những sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường tiêu dùng xanh.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.