Huyện Lắk: Ủ thành công 20 tấn phân hữu cơ sinh học từ phế phẩm nông nghiệp
Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) vừa phối hợp với Hội Nông dân huyện Lắk tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình ứng dụng men ủ Bio Wa để sản xuất phân hữu cơ sinh học từ phế phẩm nông nghiệp đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa năm 2024.
Theo đó, mô hình được triển khai từ tháng 3/2024 cho 4 hộ dân tại xã Đắk Nuê. Với quy mô mỗi hộ thí điểm ủ 5 tấn phân hữu cơ sinh học từ phế phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, với mỗi 1 tấn phân hữu cơ sinh học, bà con sẽ thực hiện ủ theo công thức 0,5 tấn phân chuồng, 0,5 tấn phế phụ phẩm (vỏ trấu cà phê, cùi bắp, bẹ ngô, rơm rạ), 5 kg rỉ đường, 3 kg phân u rê, 3 kg kali, 5 kg lân Văn Điển, 1 kg men ủ, 5 kg vôi.
Chi phí mua nguyên liệu ủ được 1 tấn phân hữu cơ là hơn 1,6 triệu đồng. Sau 2,5 – 3 tháng ủ đúng công thức, tiêu chuẩn đề ra sẽ hình thành phân hữu cơ sinh học.
Các đơn vị và người dân phối hợp thực hiện kiểm tra mô hình thí điểm ủ phân hữu cơ sinh học từ phế phẩm nông nghiệp của một hộ dân trên địa bàn xã Đắk Nuê (huyện Lắk). |
Qua quá trình lấy mẫu thành phẩm của 4 hộ dân làm mô hình tại xã Đắk Nuê, các đơn vị đánh giá hàm lượng chất nitơ tổng hợp, photpho, kali hữu hiệu đều đạt yêu cầu đối với phân hữu cơ sinh học.
Theo đánh giá của các đơn vị phối hợp thực hiện, quy trình sản xuất phân hữu cơ sinh học khá đơn giản, dễ thực hiện, có tính lôgic khoa học và phù hợp với điều kiện của người nông dân và khả năng ứng dụng trên diện rộng.
Bên cạnh đó, giá thành để sản xuất loại phân bón này khá rẻ, giúp người dân tiết kiệm được chi phí trong sản xuất và giải quyết vấn đề cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại trên cây trồng, ô nhiễm môi trường, góp phần canh tác bền vững.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc