Multimedia Đọc Báo in

Giữ "vàng" cho mai sau

Gian nan "cuộc chiến" giữ rừng (kỳ 2)

07:52, 27/08/2021

Tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trong những năm qua đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Để đối phó với tình trạng này, lực lượng giữ rừng đã không quản ngại vất vả, có khi phải đổ máu để đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm lâm luật.

Những chốt chặn nơi “điểm nóng”

Chiếc lán gỗ tạm rộng chừng 10 m2 với những vật dụng đơn sơ là nơi ở của 3 nhân viên giữ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar đang làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Tiểu khu 704, giáp ranh giữa xã Cư Bông (huyện Ea Kar) và xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Đây khu vực luôn “nóng” về tình trạng khai thác lâm sản và phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Chỉ tính riêng năm 2020, khu vực này đã có hơn 100 ha rừng bị phá.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với rừng, lực lượng giữ rừng phải chấp nhận thiếu thốn, vất vả “đóng đô” ngay tại đây nhằm canh chừng lâm tặc. Hằng ngày các nhân viên kiểm lâm ở đây phải chạy xe máy hàng chục cây số đường rừng, lội bộ băng qua những dãy núi cao để tuần tra. Mỗi lần chạm trán với lâm tặc là một lần lực lượng giữ rừng đối diện với nguy hiểm vì họ chỉ có 3 người, không có công cụ hỗ trợ, trong khi lâm tặc đông và hết sức manh động. Gần đây nhất, vào khoảng 21 giờ ngày 5-8, lượng bảo vệ rừng làm nhiệm vụ tại chốt chặn này phát hiện 2 đối tượng đi trên 2 xe máy chở phía sau nhiều tấm gỗ từ trong rừng đi ra. Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe và đưa vào chốt để xử lý, các đối tượng đã rút dao ra chống đối. Sau đó, có thêm nhiều đối tượng nữa đến, tiếp tục dùng dao đe dọa tấn công lực lượng giữ rừng rồi tẩu tán xe và gỗ.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương thăm hỏi và tặng quà cho anh Ngô Lê Nhật Tiến (Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 7, thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn ) bị lâm tặc hành hung vào ngày 7-2-2020. Ảnh: Vạn Tiếp

Nhiệm vụ vất vả, hiểm nguy là vậy; điều kiện sống của lực lượng giữ rừng cũng rất khó khăn, bấp bênh, chỗ ăn ở thì tạm bợ, nước sinh hoạt, điện không có, lương lại thấp. Anh Trần Như Học, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng mới được tuyển vào công ty làm nhiệm vụ ở đây mỗi tháng được trả 3 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi đó thì tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ xăng xe và ăn uống hằng ngày, không có dư đồng nào để gửi cho gia đình. “Em học lâm nghiệp ra, yêu rừng nên chọn vào đây công tác, chứ nếu tính thu nhập thì khó mà trụ lại được lắm!”, anh Học chia sẻ.

Còn tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, trước tình trạng lâm tặc thường xuyên thâm nhập vào Tiểu khu 1219 để khai thác gỗ pơ mu trái phép, đơn vị này đã phải lập một chốt chặn, cử người túc trực 24/24 giờ tại đây. Chốt chặn nằm ngay vùng lõi của rừng, cách khu dân cư gần nhất hai ngày đi bộ. Chốt bố trí thường xuyên 5 người túc trực để tuần tra, bảo vệ rừng đối với Tiểu khu 1219. “Trước đây đơn vị cắt cử lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra tại tiểu khu này, nhưng lợi dụng thời gian nghỉ giữa những chuyến tuần tra, lâm tặc lại vào rừng khai thác gỗ pơ mu. Chính vì thế, công ty đã thành lập một chốt chặn ngay giữa rừng, lúc nào cũng có người canh giữ mới nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng ở nơi đây được”, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho hay.

Theo Chi cục Kiểm lâm, trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều “điểm nóng” về khai thác lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy ở các địa phương như Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, M’Drắk… Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 590 vụ phá rừng trái phép, gây thiệt hại 177 ha rừng. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, chủ rừng tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lâm luật, từng bước giải quyết các "điểm nóng" về phá rừng.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn kiểm tra hiện trường một cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Vạn Tiếp

Đổ máu vì rừng xanh

Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn có diện tích 115.545 ha, với hệ sinh thái đặc trưng rừng khộp - là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này. Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình tương đối bằng phẳng, dễ dàng di chuyển nên lâm tặc thường xuyên xâm nhập vào rừng để khai thác lâm sản trái phép. Xung quanh Vườn có hàng vạn hộ dân sinh sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn và phụ thuộc vào việc khai thác các nguồn lợi từ rừng. Bên cạnh đó, Vườn còn có một buôn, với hơn 100 hộ dân nằm trong vùng lõi rừng càng tăng thêm áp lực cho việc quản lý, bảo vệ rừng. Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc VQG Yok Đôn cho rằng: Bảo vệ rừng ở đây thực sự là một “cuộc chiến” với lực lượng kiểm lâm, họ đang phải căng mình bám rừng suốt ngày đêm để canh giữ rừng không bị xâm hại. Trong công cuộc giữ rừng đó, tính mạng của nhân viên kiểm lâm nơi đây thường xuyên bị đe dọa trước sự manh động của lâm tặc.

Trong năm 2020 và 6 tháng năm 2021, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 1.106 vụ vi phạm, tịch thu hơn 996,6 m3 gỗ, 765 phương tiện các loại; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7,5 tỷ đồng.

 

Như vụ việc xảy ra vào ngày 18-12-2019, khi tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực Tiểu khu 276, thuộc VQG Yok Đôn, anh Y Thông Chỉ Byă cùng một kiểm lâm khác phát hiện một nhóm lâm tặc đang sử dụng cưa lốc cưa hạ cây rừng trái phép. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, hai kiểm lâm đã khống chế được một đối tượng lâm tặc, thu giữ một cưa lốc máy. Sau đó, nhóm này tụ tập thêm hơn 10 đối tượng, quay lại dùng hung khí tấn công lực lượng kiểm lâm, giải cứu đồng bọn. Chúng chém thẳng vào tay anh Y Thông Chỉ Byă, khiến anh bị đứt gân cổ tay, mất nhiều máu. Sau khi hành hung kiểm lâm, nhóm lâm tặc đã vứt bỏ hung khí, cướp lại dụng cụ rồi bỏ chạy vào rừng. Anh Y Thông Chỉ được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đến nay, vết thương của anh tuy đã lành, nhưng vẫn đau nhức âm ỉ mỗi khi trái gió, trở trời. “Đôi khi nghĩ lại việc bị chém cũng sợ thật, nhưng công việc của mình là bảo vệ rừng, nên không thể vì lâm tặc manh động mà chúng tôi chùn bước được”, anh tâm sự.

Vài tháng sau, vào chiều 7-2-2020, anh Ngô Lê Nhật Tiến, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc VQG Yok Đôn cùng đồng đội trong lúc tuần tra đã phát hiện một nhóm đối tượng đang dùng nhiều xe máy vận chuyển gỗ lậu. Khi đến khu vực suối Đắk Bùng (thuộc xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) thì tổ tuần tra đuổi kịp những đối tượng này. Tổ tuần tra yêu cầu dừng lại, nhưng các đối tượng không chấp hành mà tìm cách tẩu tán tang vật. Trong quá trình giằng co, các đối tượng đã dùng gậy đánh vào vùng mặt làm anh Tiến bị thương, chảy nhiều máu. Mặc dù vấp phải sự chống trả quyết liệt của lâm tặc nhưng hai cán bộ kiểm lâm vẫn giữ lại được 2 xe máy và 4 hộp gỗ, kịp thời ghi lại hình ảnh của các đối tượng để phục vụ công tác điều tra. Sau đó, các đối tượng liên quan đến vụ án đã bị khởi tố, xử lý theo quy định của pháp luật. Qua giám định, anh Tiến bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ 6%.

Một khoảnh rừng tại Tiểu khu 704 của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar bị phá trụi để lấy đất sản xuất. Ảnh: Vạn Tiếp

Không chỉ riêng ở VQG Yok Đôn, mà ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng vẫn luôn bị đe dọa tấn công khi làm nhiệm vụ. Đơn cử vào giữa tháng 9-2018, nhận được tin báo của người dân về một nhóm đối tượng mang theo súng và chó săn vào lâm phần thuộc Trạm Kiểm lâm số 10 (VQG Chư Yang Sin) quản lý, giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Lâm Đồng, đoàn truy quét của Vườn khoảng 20 người từ Trạm Kiểm lâm số 10 di chuyển xuyên sâu vào khu vực nghi ngờ có dấu vết của những kẻ săn bắn trái phép. Đến khoảng 11 giờ, đoàn chạm mặt với nhóm săn trộm 3 người. Lúc này, anh Ngô Đức Liên, nhân viên của Vườn đi đầu, phát hiện thấy nhóm săn trộm nên hô báo cho mọi người biết. Bị phát hiện, các đối tượng nổ súng chống trả, anh Liên bị trúng đạn và bị thương nặng, mất 25% sức khỏe.

Mới đây, vào ngày 11-1-2021, tổ tuần tra gồm 7 người của Trạm Kiểm lâm số 4, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại các Tiểu khu 1025, 1279, 1280 đã phát hiện một nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại Tiểu khu 1025. Khi tổ tuần tra yêu cầu dừng lại để xử lý thì các đối tượng dùng ná cao su, dao, rựa, gậy tấn công. Hậu quả khiến hai người của tổ công tác là ông Lưu Ánh Hồng và ông Y Khôi Kbin bị thương ở đầu, ngất xỉu phải đi cấp cứu.

                     (Còn nữa)

Kỳ 3: Để rừng thêm xanh

Minh Thông - Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.