Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Đồng bào thay đổi tập quán chăn nuôi để bảo vệ môi trường

07:05, 01/12/2021

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do ý thức, thói quen, tập quán lạc hậu của người dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các cấp, ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng dân cư.

Nhiều năm trước đây, phần lớn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các buôn Tring 1, 2 và 3 (phường An Lạc) vẫn có thói quen, tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, nhốt dưới gầm sàn nhà hoặc làm chuồng trại ngay bên cạnh nhà ở của gia đình. Chính vì thế, tình trạng ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều gia đình sinh sống xung quanh khu vực; nhất là mùi hôi thối từ chất thải của vật nuôi.

Trước thực trạng đó, các cấp chính quyền phường An Lạc đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tự giác di dời chuồng, trại gia súc dưới gầm sàn nhà ra xa nơi ở. Trong đó, buôn Tring 2 là một trong những khu dân cư đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”.

Một hộ dân trên địa bàn xã Ea Siên xây dựng chuồng trại nuôi dê xa nhà ở.

Theo đó, thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt, các chi hội, đoàn thể, cán bộ phường đã vận động người dân tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường; không vứt rác bừa bãi ra đường, bảo đảm vệ sinh khu vực công cộng, không chặt phá cây xanh và thả rông súc vật…

Từ đó, người dân trong buôn đã dần ý thức đầu tư xây dựng chuồng trại riêng biệt, không chăn nuôi gia súc thả rông hay nuôi nhốt dưới gầm sàn nhà; tình trạng rác thải gây ô nhiễm trên các đoạn đường, bến nước, nhà cộng đồng… cũng đã được cải thiện rõ rệt.

Điều đặc biệt, từ mô hình ở buôn Tring 2, các buôn Tring 1 và 3 cũng dần ý thức và thay đổi theo. Bà H’Zú Niê (buôn Tring 2) phấn khởi cho biết, bà con trong buôn đã thay đổi nhận thức và thói quen, tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng. Cùng với đó, mọi người cũng tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, đường hoa; nhờ vậy đường làng, ngõ xóm, sân vườn mỗi gia đình luôn sạch sẽ và đẹp mắt.

Ở xã Ea Siên, những năm gần đây người dân địa phương đã và đang phát triển mạnh mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi cải thiện đời sống cho nông dân, chính quyền và người dân địa phương cũng luôn chú trọng, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Trong đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn và nằm cách xa khu dân cư để bảo đảm yếu tố vệ sinh môi trường cũng như an toàn dịch bệnh cho vật nuôi.

Riêng những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường trước đây cũng đã được vận động và di dời ra các nơi xa khu dân cư theo quy hoạch các khu chăn nuôi mà UBND xã đã thực hiện.

Ngoài ra, chính quyền xã Ea Siên tập trung tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến nông sản trên đia bàn không hoạt động các lò đốt, xay xát trong khu vực dân cư mà di dời vào khu quy hoạch chế biến nông sản ở thôn 2B (giáp ranh địa bàn xã Krông Búk, huyện Krông Pắc).

Một hộ dân trên địa bàn xã Ea Siên chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea Siên, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, địa phương đã đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh; chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ký cam kết không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời những vi phạm trong thực hiện các quy định về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...

Có thể nói, không chỉ ở các buôn trên địa bàn phường An Lạc hay xã Ea Siên, đồng bào dân tộc thiểu số các xã, phường khác trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã có nhiều thay đổi trong thói quen sinh hoạt, tập quán chăn nuôi, không còn gây ảnh hưởng đến môi trường sống như trước đây.

Thay vì chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà hay thả rông, bây giờ họ đã biết làm chuồng trại xa nhà, sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi như: thường xuyên vệ sinh chuồng trại, sử dụng đệm lót sinh học, làm hầm biogas; thậm chí áp dụng công nghệ cao, sử dụng hệ thống máy lạnh để chăn nuôi trên diện tích, quy mô lớn…

Điều này không chỉ góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường mà hướng đến sản xuất, chăn nuôi sạch để tăng nguồn thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Thúy Hồng

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.