Multimedia Đọc Báo in

“Bảo vật” của đại ngàn

10:23, 26/04/2022

Trên địa bàn Tây Nguyên, Kon Tum là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi trong việc phát triển cây dược liệu. Các huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei, Kon Plông nằm ở vùng Đông Trường Sơn mưa nhiều, khí hậu lạnh, ẩm… có nhiều loại dược liệu có sẵn trong tự nhiên. Trong các loại dược liệu, sâm Ngọc Linh ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei được xem là loại cây đặc hữu, là bảo vật của quốc gia.

Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc, nấm làm thuốc, trong đó 30 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 25 loài cây thuốc có giá trị kinh tế cao được trồng, được chế biến sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh như: sâm Ngọc Linh, đảng sâm (hồng đảng sâm), đương quy, ngũ vị tử, vàng đắng... Ngoài sâm Ngọc Linh, còn có một số loài cây thuốc mang tính đặc hữu quý như prác, tà liền chuông, gừng lúa… Ngoài ra, còn nhiều loại cây dược liệu được nhân dân sử dụng trị bệnh, nhưng chưa được định danh.

Thấy được tiềm năng và giá trị của cây dược liệu, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn và phát triển một số loại cây dược liệu; đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu như: Miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn dược liệu dưới tán rừng... Bằng những chủ trương, chính sách này, tính đến nay, tỉnh Kon Tum phát triển được 3.904,7 ha dược liệu, trong đó có 1.240,7 ha sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh được trồng trong rừng tự nhiên.

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp trồng, phát triển sâm Ngọc Linh, đến nay tỉnh Kon Tum có 2 cơ sở đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống sâm ra thị trường là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Theo đó, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum thiết lập vườn ươm sâm Ngọc Linh với công suất 3,7 triệu cây/năm; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô xây dựng vườn ươm sâm Ngọc Linh với công suất hơn 300.000 cây/năm.

Qua quá trình kêu gọi đầu tư, phát triển, tỉnh Kon Tum thiết lập được chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh Kon Tum; xây dựng logo chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh; xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Để đưa sản phẩm ra thị trường, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, bước đầu có những sản phẩm chất lượng. Điển hình như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho ra các sản phẩm từ củ, lá sâm Ngọc Linh như: Rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 sói đêm, nước giải khát dưỡng da NoLiKo, mật ong sâm SK5... Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông – Kon Tum cho ra các sản phẩm: Collagen sâm Ngọc Linh, Trà sâm Ngọc Linh hòa tan, Rượu sâm Ngọc Linh, Cà phê sâm Ngọc Linh, Mật ong sâm Ngọc Linh, Viên nang mềm sinh lý sâm Ngọc Linh và Dầu gió tinh nhân sâm...

Ý thức được tiềm năng và giá trị dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh, trong những năm trước đây, nhiều hộ dân ở huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei vào rừng tìm sâm Ngọc Linh và trồng sâm Ngọc Linh trong rừng. Các hộ như ông A Sỹ (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông), ông A Diêng (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei)… dày công trồng sâm Ngọc Linh và có thu nhập khá cao. “1 kg sâm Ngọc Linh loại trung bình bây giờ có giá từ 150 - 200 triệu đồng. Trồng sâm Ngọc Linh thành công, họ không giàu mới lạ”- một cán bộ ở “thủ phủ” sâm Ngọc Linh huyện Tu Mơ Rông khẳng định.

Tuy nhiên, trước giá trị của sâm Ngọc Linh quá cao, vấn nạn sâm Ngọc Linh giả đang làm đau đầu người dân, các doanh nghiệp trồng sâm và các nhà quản lý. Nếu như các cơ quan quản lý không có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, người dân trồng sâm, các doanh nghiệp kinh doanh dược liệu và sâm Ngọc Linh khó bảo vệ được thương hiệu và giá trị sâm Ngọc Linh.

Văn Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.