Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar phát triển cây dược liệu

08:30, 06/08/2016

Những năm gần đây, một số diện tích cây trồng cho năng suất thấp trên địa bàn huyện Cư M’gar được chuyển sang trồng cây dược liệu, bước đầu cho hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Nhận thấy triển vọng kinh tế lớn từ cây dược liệu, đầu mùa mưa năm nay, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã đưa vào trồng tập trung 5 ha cây hòe và trồng xen canh dưới cây công nghiệp 5 sào cây đinh lăng tại xã Ea Kiết. Ông Dương Văn Sơn, Tổng Giám đốc công ty cho biết, đơn vị có kế hoạch trồng 20 ha dược liệu gồm đinh lăng, hòe, ý dĩ và đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài với Công ty Cổ phần dược phẩm Vimedimex (TP. Hồ Chí Minh). Các loại cây này sẽ trồng mỗi năm một ít để chăm sóc bảo đảm chất lượng và thăm dò thị trường, nếu giá cả ổn định, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới.

Kỹ sư của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm kiểm tra vườn đinh lăng mới trồng.
Kỹ sư của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm kiểm tra vườn đinh lăng mới trồng.

Ngoài việc trồng tập trung trên những diện tích lớn của các doanh nghiệp (DN), cây dược liệu cũng được trồng rải rác tại các địa phương theo quy mô nông hộ. Đơn cử là bà Nguyễn Thị Lương (thôn Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk) với vườn hòe hơn 300 cây. Bà cho biết, gia đình bắt đầu trồng hòe từ năm 2010, loại cây này dễ trồng, chi phí, đầu tư chăm sóc ít nhưng có thể cho hoa quanh năm, với giá bán tại vườn 60.000 – 80.000 đồng/kg, mỗi năm bà thu nhập 200 triệu đồng từ cây hòe. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, toàn huyện hiện có khoảng 20 ha cây dược liệu trồng tập trung và xen canh tại các xã Cư Suê, Quảng Tiến, Ea Tar và thị trấn Ea Pốk. Theo quy hoạch của huyện, diện tích cây dược liệu ổn định khoảng 300 – 500 ha gồm các loại cây đinh lăng, hòe, gừng, đương quy, cao lương, hoài sơn, làm nguyên liệu cho các hãng dược. Hiện đã có một DN sản xuất tân dược tại Hà Nội tiến hành xây dựng vùng trồng gừng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất với diện tích khoảng 50 ha tại địa phương. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư cũng đang khảo sát và có kế hoạch liên kết với người dân địa phương trồng các loại cây dược liệu khác theo quy mô công nghiệp với nhu cầu khoảng 200 ha.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar chia sẻ, cây dược liệu được người dân địa phương đưa vào trồng từ cách đây vài năm. Lãnh đạo huyện cũng đã nhận thấy triển vọng lớn từ loại cây trồng này và xác định đây là một trong những điểm nhấn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, huyện khuyến khích người dân trồng dược liệu tại các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới và trên các vườn cà phê, cao su thanh lý chờ tái canh trước khi mở rộng trồng đại trà trên các diện tích khác. “Lãnh đạo huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuật lợi, nhất là tìm quỹ đất cho các DN phát triển cây dược liệu trên cơ sở cam kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho người dân”, ông Minh nhấn mạnh. Trong khi đó, ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, qua thực tế cho thấy, thu nhập từ cây dược liệu có thể đạt 500 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm, nhưng chi phí đầu tư chăm sóc không cao, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác. Thời gian tới, huyện sẽ phát triển cây dược liệu theo hướng trồng tập trung thành các vùng chuyên canh; đồng thời, xây dựng các câu lạc bộ trồng dược liệu với quy mô 20 ha/xã nhằm quản lý chất lượng, tiếp nhận các quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Huyện ủy cũng đã thông qua Nghị quyết Phát triển nông nghiệp chất lượng cao bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó, sẽ xây dựng trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 90 ha bao gồm khu vực trồng cây dược liệu.         

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.