Multimedia Đọc Báo in

Vệ sinh toàn xã - hướng đến mục tiêu lâu dài

08:29, 13/07/2022

Được hưởng lợi từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện được 33 xã đạt vệ sinh toàn xã, vượt chỉ tiêu đề ra; qua đó góp phần thay đổi nhận thức, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 33 xã thuộc 6 huyện: Buôn Đôn, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea Kar, Krông Ana, Krông Năng đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã (mục tiêu là 30 xã), trong đó có 19 xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã bền vững (mục tiêu là 15 xã). Việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp đã góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư; nhận thức của cộng đồng về nước sạch, vệ sinh môi trường không ngừng nâng lên; từ đó giúp người dân nông thôn thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt, từng bước xóa bỏ tập quán sinh hoạt lạc hậu, kém vệ sinh. Không chỉ vậy, chương trình còn góp phần nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt tại tuyến cơ sở về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Cán bộ xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen trong sinh hoạt, xây dựng vệ sinh toàn xã.

Năm 2017, xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) thực hiện mô hình “Vệ sinh toàn xã”. Để thực hiện các mục tiêu đó, chính quyền địa phương và ngành y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình và thực hiện rửa tay bằng xà phòng để bảo vệ sức khỏe; di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn và ra xa nhà ở, xử lý phân gia súc đảm bảo vệ sinh; thực hiện công tác xã hội hóa đường giao thông nông thôn, nạo vét, khơi thông cống rãnh, công trình thoát nước, san lấp ổ gà và phát dọn cây cỏ che khuất tầm nhìn, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt tại các thôn, buôn... Ngoài ra, địa phương cũng có 141 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh từ chương trình; qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và thấy được lợi ích về sự cần thiết phải sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường. Sau 4 năm thực hiện mô hình, xã Dray Sáp có 82% hộ có điểm rửa tay, có xà phòng hoặc sản phẩm thay thế và trên 75% hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, huyện Cư M’gar có 7 xã thực hiện vệ sinh toàn xã với tổng số gần 800 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Huyện Cư M'gar cùng các xã đã xây dựng kế hoạch và giám sát chương trình như: tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi sử dụng nguồn nước hiệu quả, cải thiện hành vi rửa tay, chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường, tăng tỷ lệ người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh… Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các sự kiện truyền thông, treo băng rôn, pa nô, phát sổ tay, cẩm nang, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, phối hợp xây dựng các chuyên mục tuyên truyền với các cơ quan truyền thông; hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh... Từ đó, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn toàn huyện đạt 78% tổng số hộ dân (đến cuối năm 2020) và trên 92% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong đó, các xã Ea Kpam, Cư M'gar, Cuôr Đăng có tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh và có chỗ rửa tay đạt từ 81% đến trên 84%, tất cả trạm y tế và trường học ở các xã đều đạt tiêu chí hợp vệ sinh. Điều đáng mừng là sau khi thấy các hộ dân xây dựng nhà tiêu bảo đảm vệ sinh, tiện lợi trong sinh hoạt nên nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức và làm theo mà không chờ sự hỗ trợ.

Một hộ dân trên địa bàn xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh từ Chưong trình.

Có thể nói, việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp đã góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân, cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Từ kết quả ban đầu, hy vọng rằng trong thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bởi theo Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021, đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn và 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân.   

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 96,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, số hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 87,77%, số hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh là 93,5%; số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 73%. 

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.