Multimedia Đọc Báo in

Chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn: Huyện Ea Kar nỗ lực hướng đến mục tiêu bền vững

08:18, 19/09/2022

Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, thời gian qua, huyện Ea Kar đã huy động, lồng ghép nguồn lực triển khai Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả", vay vốn của Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Chương trình) theo hướng bền vững.

Cư Huê là một trong 10 xã trên địa bàn huyện Ea Kar được hưởng lợi từ nguồn vốn và các hoạt động truyền thông của chương trình từ năm 2018. Để đạt được các chỉ tiêu “Vệ sinh toàn xã”, UBND xã đã chỉ đạo trạm y tế, các đoàn thể, ban tự quản thôn, buôn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những buôn đồng bào dân tộc thiểu số về việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn và điểm rửa tay bằng xà phòng...

Từ nguồn vốn của chương trình, toàn xã đã có 150 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, xã Cư Huê còn đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các đơn vị kết nghĩa, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cùng với ngân sách huyện, Quỹ Vì người nghèo huyện để xây dựng trên 200 công trình vệ sinh cho các hộ. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng đã tự đầu tư kinh phí để cải tạo, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và điểm rửa tay bằng xà phòng.

Khu vực nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả.

Cũng từ nguồn vốn của chương trình, năm 2019, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê) đã được đầu tư trên 400 triệu đồng để xây dựng 2 khu vệ sinh nam, nữ, 2 phòng vệ sinh cho giáo viên và khu rửa tay có vòi nước chảy, đáp ứng nhu cầu cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường. Cùng với đó, Trạm Y tế xã Cư Huê cũng được chương trình đầu tư kinh phí để cải tạo nhà vệ sinh và hệ thống nước sạch. Ông Bùi Công Minh, Trạm phó Trạm Y tế xã Cư Huê cho hay, chương trình đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về vấn đề nước sạch, vệ sinh nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, đổ rác đúng nơi quy định và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh cá nhân... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh của xã Cư Huê đã tăng từ 65% lên 75,8%; tỷ lệ hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng đạt trên 88,7%, trạm y tế và các trường học đã có khu vệ sinh và điểm rửa tay bằng xà phòng, không còn tình trạng xả rác thải bừa bãi. Năm 2020, Cư Huê đã được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh toàn xã.

Từ năm 2018 đến nay, huyện Ea Kar đã triển khai thực hiện tiêu chuẩn “Vệ sinh toàn xã” tại 10 xã trên địa bàn huyện gồm: Cư Huê, Ea Păl, Cư Yang, Ea Tih, Cư Ni, Xuân Phú, Ea Sar, Cư Prông, Ea Ô, Cư Elang. Khi mới triển khai, địa phương gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí của một số hộ còn thấp, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; kỹ năng truyền thông, giám sát, đánh giá của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế. Bên cạnh đó, kinh phí hằng năm cấp muộn và chưa đáp ứng nhu cầu nên đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng chương trình...

Hệ thống nước sạch và nhà vệ sinh của Trạm Y tế xã Cư Huê (huyện Ea Kar) được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn của Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ea Kar Trần Đức Lương cho biết, để đạt mục tiêu đề ra và hướng tới sự bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với tình hình thực tế, tập huấn cho cán bộ xã và cán bộ y tế cơ sở, tổ chức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền vận động tại cộng đồng, ký văn bản cam kết, phối hợp tổ chức kiểm đếm các chỉ tiêu và giám sát để duy trì tính bền vững với các xã đã đạt “Vệ sinh toàn xã”. Ngoài nguồn vốn của chương trình, huyện đã trích ngân sách và chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Vì người nghèo cho các hộ làm nhà vệ sinh với mức 1 triệu đồng/hộ.

Sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao cùng với cách thức hỗ trợ thiết thực đã giúp huyện Ea Kar đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn huyện có gần 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; trên 97,6% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 100% số trạm y tế có nước và nhà tiêu vệ sinh; 10 xã tham gia chương trình đều đã được công nhận đạt tiêu chuẩn “Vệ sinh toàn xã” giai đoạn 2018 - 2021.

Trong năm 2022, huyện Ea Kar tập trung thực hiện nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá tại 5 xã gồm: Ea Ô, Ea Sar, Cư Prông, Cư Elang và Xuân Phú để được công nhận đạt vệ sinh toàn xã bền vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.