Multimedia Đọc Báo in

Phân loại rác thải tại nguồn: Thêm những giải pháp quyết liệt (Kỳ 2)

08:14, 03/11/2022

Kỳ 2: Để quy định đi vào cuộc sống

Phân loại chất thải tại nguồn là một trong những hành động góp phần bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình và huy động các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong việc quản lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Lộ trình làm quen việc phân loại rác thải tại nguồn

Thời gian qua, cơ quan chức năng các cấp đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, tái chế, tái sử dụng… chất thải để hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) cùng với các nghị định, thông tư đi kèm có nhiều điểm mới liên quan đến việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt, như quy định thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích; từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định; xử phạt với trường hợp không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định... Điều đó thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong việc quản lý rác thải, bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi phân loại rác thải tại nguồn của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Cùng với đó, việc ràng buộc trách nhiệm đi đôi với lợi ích trong sự giám sát chặt chẽ của pháp luật sẽ dần hình thành thói quen phân loại, xử lý rác thải của người dân trong thời gian tới.

Rác thải sinh hoạt được gom vào chung một túi chờ xe thu gom trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Với mốc thời gian áp dụng việc xử phạt bắt đầu từ năm 2025, sẽ còn hơn 2 năm để người dân tập làm quen với việc phân loại rác hằng ngày, cũng như cơ quan chức năng tiến hành chuẩn bị những bước liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý . Ông Hoàng Văn San, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo "Quyết định ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt". Sau khi Bộ ban hành hướng dẫn trên, các cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức triển khai nội dung này đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Một khi có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân - đặc biệt là sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong chuỗi quản lý rác thải, chắc chắn chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ thay đổi thói quen và nhận thức của người dân, tiền đề quan trọng để giải quyết nạn rác thải trên địa bàn.

Ngày 21/7/2022 UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn xây dựng và bùn thải trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể. Theo đó, quy định yêu cầu cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn chất thải phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành ba nhóm, gồm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Các loại chất thải này sau phân loại phải được lưu, chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật. Cùng với đó, quy định cũng nêu rõ phương tiện thu gom, thời gian, phương thức chuyển giao và thu gom…

Đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi

Với cả nghìn tấn rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn tỉnh, gây áp lực nặng nề cho việc thu gom, xử lý, thì việc phân loại rác tại nguồn càng trở nên cấp thiết. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có khoảng 66 bãi, điểm tập kết, chôn lấp chất thải rắn. Ở khu vực đô thị có 17 đơn vị làm dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, hoạt động  theo hình thức xã hội hóa, 100% các đô thị và trung tâm huyện lỵ đều có tổ chức dịch vụ vệ sinh đô thị. Ở khu vực nông thôn, có 80/152 xã có tổ chức dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường ở các địa phương phần lớn là bãi tạm, quy mô nhỏ, chưa được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Thiết bị lưu chứa, phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng với việc phân loại rác thải tại nguồn. Tới đây, khi quy định về phân loại rác có hiệu lực, đơn vị xử lý rác thải sẽ đỡ quá tải công việc, ngoài ra còn tận dụng được rác thải để tái chế, mang lại giá trị kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuổi trẻ TP. Buôn Ma Thuột ra quân thu gom rác thải tại một khu vực công cộng trên địa bàn thành phố.

Để quy định được thực thi hiệu quả, điều quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm việc phân loại rác tại nguồn; xây dựng cơ chế triển khai phù hợp, hiệu quả và kiên quyết xử phạt đối với những trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe. Do đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải ngay từ bây giờ sẽ không chỉ giúp họ thay đổi thói quen, đỡ bỡ ngỡ khi quy định thực hiện xử phạt có hiệu lực, mà còn giúp mỗi người thấy rõ lợi ích của việc phân loại rác. Mặt  khác, các ban, ngành, địa phương cũng phải tranh thủ, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của quy định bởi để thực hiện được việc này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn.

Thiết nghĩ, việc phân loại rác thải tại nguồn dù khó nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như người dân hiểu được tầm quan trọng của việc này, tự nguyện thực hiện phân loại, thay đổi thói quen thì sẽ có kết quả tốt.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định thì các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc