Dưới tán rừng xanh…
Là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn thứ hai trên toàn quốc và là khu vực duy nhất tại Việt Nam bảo tồn được hệ sinh thái rừng khộp, lâm phận của Vườn Quốc gia Yok Đôn và vùng đệm nằm trên địa giới hành chính của 7 xã thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Về với Vườn như được đại ngàn dẫn dắt ngao du giữa thế giới tự nhiên hoang dã sẽ là những trải nghiệm mới lạ và thú vị…
Với tổng diện tích tự nhiên 115.545 ha, Vườn Quốc gia Yok Đôn trở thành ngôi nhà lớn cho biết bao động thực vật có tên trong Sách đỏ. Đi bộ dưới tán rừng, không khó để bắt gặp các loại gỗ có giá trị. Sống hoang dại ở khắp rừng khộp, một số loài thực vật chỉ cần ở đúng nghĩa với tự nhiên sẽ chẳng phải chăm chút mà vẫn vươn mình nảy nở sinh sôi như cỏ đuôi chồn, le rừng hay những đóa hoa dại…
Cây địa liền - dược liệu giá trị mọc rất nhiều ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
Theo anh Lưu Thành, cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Yok Đôn), không khó để nhận thấy các loại dược liệu quý hiếm, mọc san sát dưới bước chân. Vườn có tới có 227 loài làm thuốc, 35 loài làm cảnh và có các giá trị tài nguyên khác như: cung cấp nguyên liệu đan lát, làm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm. Bà con các dân tộc trong vùng gắn bó nhiều đời với rừng nên hiểu biết khá rõ giá trị các loại cây thuốc, họ vẫn thường đưa nó vào bữa ăn gia đình, làm thức uống bồi bổ sức khỏe như: địa liền, sâm bố chính, hà thủ ô…
Cũng từ các loài cây thân thuộc ở rừng xanh Yok Đôn như ba đậu lá dày, dung lá trà, dưa hoang, gai kim dày… gia đình chị Bua Kẹo Lào (ở huyện Buôn Đôn) chế biến thành men rượu tự nhiên, hình thành nên một thương hiệu rượu mới – Bạn Đon ở trên vùng biên giới này.
Không chỉ là nơi nuôi dưỡng thực vật phong phú, đa dạng, đại ngàn Yok Đôn còn là ngôi nhà trú ngụ của 403 loài động vật có xương sống, trong đó có tới 44 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam. Sự hiện diện của nhiều loại động vật rừng quý hiếm cùng đàn voi nhà khiến tán rừng xanh thêm muôn màu thú vị.
Anh Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn Quốc gia Yok Đôn thông tin: Cùng với voi rừng, hiện nay Vườn đang có 9 con voi nhà được nuôi thả tự do. Trong đó có 3 con của Vườn Quốc gia Yok Đôn, 6 voi khác của các đơn vị, người dân thả vào rừng để thực hiện mô hình thân thiện với voi, theo như ký kết với Tổ chức Động vật châu Á. Trong đó, voi Y Khun (66 tuổi) và voi Bun Khăm (57 tuổi) luôn để lại cho du khách nhiều cảm xúc bởi sự thân thiết, gắn bó, yêu thương dành cho nhau của đôi bạn. Gặp gỡ và thân thiết từ năm 2001, đôi bạn luôn là cặp song hành, quấn quýt nhau dưới tán rừng…
Voi Y Khun và voi Bun Khăm thân thiết dưới tán rừng xanh. |
Theo anh Phương, kể từ khi Vườn phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi vào tháng 7/2018, đến nay, đời sống, sức khỏe voi được cải thiện rất nhiều. Và ngay cả ý thức của người dân nói chung và khách du lịch nói riêng về bảo vệ đàn voi nhà cũng được nâng lên. Không còn cảnh voi gồng mình chở khách, mà thay vào đó, du khách ngày càng yêu việc trải nghiệm rừng, đến tận nơi chứng kiến những bạn voi tự do giữa ngàn xanh …
Thực tế, nhiều năm qua, để bảo vệ loài voi quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng, đã có rất nhiều hành động cấp bách và nghiêm túc hướng về quyền lợi của voi. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã thống nhất chi hơn 55,4 tỷ đồng để chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi, bảo tồn đàn voi nhà. Dự án này được thực hiện trong thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026 mang lại nhiều tín hiệu vui đến với loài động vật thông minh này. Hơn tất thảy, có lẽ hạnh phúc nhất của chúng vẫn là tự do. Chỉ tự do dưới khu rừng của mình thì voi mới thực sự bảo đảm được nguồn thức ăn, sức khỏe, tự kết đôi và có thể sống thọ hơn.
Dưới tán rừng xanh Yok Đôn, được sự che chở của đại ngàn, không chỉ đàn voi nhà mà quần thể động, thực vật hoang dã nơi đây không ngừng được nảy nở, sinh sôi…
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc