Sạt lở bờ sông - Vì đâu nên nỗi? (kỳ 2)
Kỳ 2: Thiên tai hay nhân tai?
Trước tình trạng sạt lở xảy ra liên tục, không theo quy luật và ngày càng gia tăng về mức độ, theo chính quyền các địa phương và người dân, ngoài các yếu tố tự nhiên tác động thì nguyên nhân chính vẫn do tác nhân từ con người, cụ thể là hoạt động khai thác cát và vận hành các nhà máy thủy điện.
Một con tàu đang hút cát sát bờ trên sông Krông Pách đoạn qua thôn 2A, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) |
Từ hoạt động khai thác cát tận thu...
Đi dọc theo bờ sông Krông Nô đoạn chảy qua địa bàn xã Nam Ka (huyện Lắk), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những chiếc tàu khai thác cát hoạt động rầm rộ trên nhiều đoạn sông. Trong đó, có một số tàu đang khai thác cát ở khu vực gần bờ, không mảy may bận tâm hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng.
Cụ thể, khoảng 11 giờ trưa 24/3/2023, phóng viên ghi nhận một tàu mang số hiệu kiểm soát VS10046539 của Hợp tác xã Vật liệu xây dựng Phúc Lợi đang chọc thẳng vòi hút xuống sông. Khi cát đầy, con tàu di chuyển và bơm cát lên bãi tập kết của đơn vị. Qua tra cứu thông tin trên web của Cục Đăng kiểm Việt Nam, con tàu này đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 4/4/2020. Tuy nhiên, đến thời điểm trên, tàu vẫn ngang nhiên hút cát mà không gặp bất cứ sự ngăn cản nào từ lực lượng chức năng. Điều đáng nói là ở khu vực này đất đai của người dân đang bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất và cuộc sống.
Còn tại sông Krông Ana đoạn giáp ranh giữa xã Yang Tao và xã Đắk Liêng (huyện Lắk), phóng viên cũng ghi nhận hai con tàu số hiệu V47-000.77 - VR-170566.64 và V47-00014 - DL-0045 liên tục quần thảo, đưa vòi khoan chọc thẳng xuống đáy sông. Theo thông tin tra cứu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tàu mang số hiệu VR-170566.64, số đăng kiểm V47-000.77 thuộc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Sông Núi, được Chi cục Đăng kiểm số 5 cấp “Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa”, nhưng đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 22/7/2020. Tương tự, tàu có số hiệu V47-00014 - DL-0045 thuộc Công ty Vật liệu xây dựng Tây Nguyên, được Chi cục Đăng kiểm số 5 cấp “Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa” cũng đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 31/1/2020.
Một tàu hút cát gần vị trí sạt lở trên sông Krông Nô, đoạn qua xã Nam Ka, huyện Lắk.
Theo ông Lò Kim Sơn (buôn Đrái, xã Nam Ka), hoạt động khai thác cát trên địa bàn xã thời gian qua diễn ra không tuân theo quy định. Dù thời gian quy định khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng hôm nào ông dậy sớm đi tập thể dục cũng đã nghe tiếng máy nổ hút cát rầm vang dù đồng hồ chỉ mới hơn 4 giờ sáng. Đặc biệt, nhiều lần ông và người dân bắt gặp một số tàu đang hút cát gần bờ, sát đất rẫy trồng cà phê, mía, điều của hộ dân và đã phản đối bằng cách dùng đất, đá ném xuống tàu để xua đuổi nhưng họ vẫn tiếp tục khai thác.
Tương tự, trên sông Krông Pách đoạn qua xã Ea Ô (huyện Ea Kar), phóng viên ghi nhận một tàu đang hút cát sát bờ. Tại vị trí hút cát, bờ sông Krông Pách cũng bị sạt lở nghiêm trọng, khoét sâu vào khu vực đất sản xuất, khiến bờ sông bị biến dạng. Trong khi đó, theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định rõ: cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gồm khu vực đang bị sạt, lở; khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở.
Tàu hút cát sát bờ sông Krông Pách đoạn qua xã Ea Ô, huyện Ea Kar.
Cũng theo người dân ở khu vực này, thời gian các tàu thuyền khai thác cát thường diễn ra rất sớm, khi trời chỉ mới tờ mờ sáng họ đã thấy 4 - 5 tàu khai thác đang hút cát khiến đoạn sông đục ngầu.
Trao đổi về vấn đề này, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thông tin, toàn tỉnh hiện có 66 tàu hút, chở cát. Qua công tác kiểm tra trực tiếp, chỉ có 11 tàu có Giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực đang hoạt động khai thác, vận chuyển cát ở một số đoạn sông. Số còn lại đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật từ năm 2020 và đã được đưa lên bờ hoặc neo đậu tại các khu vực bến, bãi của các đơn vị doanh nghiệp, không di chuyển trên sông. Tuy nhiên, trên thực tế, các tàu hết hạn kiểm định vẫn hoạt động hút cát công khai, ở mọi thời điểm trên sông.
... Đến tác động do thủy điện
“Qua các buổi đối thoại giữa chính quyền, doanh nghiệp (thủy điện, khai thác cát) và người dân, việc xác định nguyên nhân gây nên sạt lở do đơn vị nào đang là vấn đề khó bởi doanh nghiệp nào cũng cho rằng nguyên nhân không hoàn toàn là do họ. Vì thế, tình trạng sạt lở cứ diễn ra suốt nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc. Nếu không sớm giải quyết kịp thời, thỏa đáng và có biện pháp xử lý triệt để thì rất dễ hình thành các "điểm nóng", gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội” - ông Mai Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Ka (huyện Lắk). |
Theo Chủ tịch UBND xã Nam Ka Mai Chí Dũng, hiện nay tình trạng sạt lở đất, ruộng rẫy của người dân đang canh tác dọc sông Krông Nô đoạn chảy qua địa bàn xã hết sức nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân từ hoạt động khai thác cát còn được xác định là do vận hành của các nhà máy thủy điện. Cụ thể, trên sông Krông Nô đoạn qua xã Nam Ka hiện có hai nhà máy thủy điện gồm Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah và Nhà máy thủy điện Chư Pông Krông. Sau khi các thủy điện đưa vào vận hành, nhiều hộ dân ở xã Nam Ka có đất dọc bờ sông đã phản ánh tình trạng sạt lở đất đai, gây ngập úng cây trồng.
Trước phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thuê đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc để kịp thời giải quyết một phần thiệt hại cho người dân. Cụ thể, phối hợp với Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah tiến hành đo đạc và xác định nguyên nhân sạt lở đối với 6 hộ dân trên địa bàn xã; phối hợp với Nhà máy thủy điện Chư Pông Krông đo đạc, trích lục đối với 17 hộ dân bị sạt lở ở buôn Krái… Theo chính quyền địa phương, các nhà máy thủy điện không chỉ gây sạt lở đất đai của người dân mà khi tích nước đã "làm mồi" cho các tàu khai thác cát hoạt động dễ dàng hơn, khiến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 19 nhà máy thủy điện đang vận hành, phát điện thương mại với tổng công suất lắp đặt khoảng 825 MW. Bên cạnh nhiều lợi ích mang lại, một số công trình khi đưa vào khai thác, vận hành đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực. Cụ thể, do thiết kế kỹ thuật thi công xây dựng không có cống xả bùn cát, qua một thời gian các hồ chứa bị bồi lắng làm thay đổi dung tích, mực nước của hồ chứa dẫn đến vận hành liên hồ không thực hiện theo thiết kế và phương án phòng, chống lũ lụt không theo quy luật của dòng sông; đồng thời không bù đắp phù sa về phía hạ lưu cũng là một nguyên nhân làm xói lở bờ sông, thay đổi dòng chảy.
Nhiều tàu đang hút cát trên sông Krông Ana đoạn qua xã Yang Tao (huyện Lắk). |
Có thể nói, sự tác động từ con người không chỉ trực tiếp gây ra quá trình sạt lở bờ sông mà còn trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Trong những năm qua, khí hậu biến đổi đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường đất khá rõ nét. Cụ thể, khi hạn hán kéo dài trong mùa khô đã làm cho cấu trúc lớp đất bề mặt dễ bị biến đổi theo hướng bạc màu, nguy cơ đất bị thoái hóa do nắng nóng và độ ẩm thấp; đến khi mưa lũ (tập trung chủ yếu vào các tháng 9 - 12 hằng năm) với lượng mưa lớn có khi đạt gần 400 mm/tháng đã tạo dòng chảy bề mặt tập trung làm tăng nguy cơ sạt lở đất. Quá trình bồi lắng, sạt lở diễn ra tại các lưu vực sông, suối, đặc biệt là các sông tại Đắk Lắk có độ dốc khá lớn, chính các yếu tố này cũng gây thay đổi chế độ thủy lực lại là nguyên nhân gây ra bồi lắng, sạt lở. Đơn cử như sạt lở bờ sông Krông Nô tại xã Ea R'bin (huyện Lắk); sạt lở bờ sông Krông Bông tại thôn 4, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông)…
Để thu lợi nhuận, các tổ chức, cá nhân đã bất chấp hậu quả, thậm chí vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả khôn lường. Đó không chỉ làm biến dạng hệ thống sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đất canh tác, đe dọa các công trình thủy lợi, đê điều, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà còn gây ra tác hại lớn cho môi trường, thất thoát tài nguyên, nguồn thu ngân sách.
(Còn nữa)
Kỳ 3: Hồi chuông báo động
Anh Trường
Ý kiến bạn đọc