Multimedia Đọc Báo in

Sạt lở bờ sông – Vì đâu nên nỗi? (kỳ 3)

08:10, 20/04/2023

Kỳ 3: Hồi chuông báo động

Dưới sự tác động của con người và hệ lụy từ việc chạy theo những lợi ích trước mắt đã gióng lên hồi chuông báo động khi dọc các bờ sông ngày càng xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng; trong khi đó, việc giải quyết, xử lý tình trạng sạt lở vẫn đang là “bài toán khó” đối với chính quyền các địa phương.

“Điểm nóng” sạt lở

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 500 km đường sông (gồm 8 sông), trong đó, có 3 tuyến sông chính, tập trung phương tiện hoạt động thủy nội địa theo từng đoạn, không liền mạch, đứt quãng với tổng chiều dài hơn 200 km, gồm: sông Krông Ana, Krông Nô và Sêrêpốk. Các sông có chung đặc điểm là dốc, khúc khuỷu, nhiều ghềnh đá, độ sâu mực nước nông cạn vào mùa khô, hạn chế các phương tiện thủy hoạt động và chảy xiết vào mùa mưa do độ dốc cao, nhiều ghềnh đá, nguy hiểm và phụ thuộc vào lượng xả nước của các công trình thủy điện.

Một điểm sạt lở nghiêm trọng trên sông Krông Nô đoạn qua buôn Krái, xã Nam Ka, huyện Lắk.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, theo Quyết định 673/QĐ-UBND, ngày 28/3/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 49 khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở đã được khoanh định và phê duyệt là khu vực cấm, tạm cấm khai thác cát, sỏi lòng sông. Tuy nhiên, khi được hỏi về con số thực tế các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở hiện nay thì lại không hề có số liệu cụ thể.

Trong khi đó, theo thống kê của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Lắk, nếu như năm 2016 tại địa phương này chỉ có 3 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở tại xã Đắk Liêng và Yang Tao, với chiều dài gần 1,9 km, thì đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có tới 18 điểm sạt lở, với chiều dài gần 12,7 km. Trong đó, đoạn qua xã Đắk Liêng có 3 điểm, chiều dài 4 km; xã Yang Tao 3 điểm, chiều dài gần 2,1 km; xã Nam Ka 1 điểm, chiều dài gần 4 km và xã Ea R'bin 11 điểm, chiều dài hơn 2,6 km.

Tại huyện Ea Kar, tình trạng sạt lở xảy ra ở dọc hai bên bờ sông Krông Pách cũng ngày càng lớn, dẫn tới đất sản xuất của các hộ dân ngày càng bị thu hẹp lại, trong khi lòng sông ngày càng rộng ra. Đặc biệt là đoạn qua địa phận xã Ea Ô, Ea Păl, Cư Bông và Cư Yang được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường cho Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết và Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Dịch vụ MJ với tổng chiều dài đoạn sông 38 km. Qua kiểm tra, rà soát đoạn sông Krông Pách được cấp phép khai thác cát, UBND huyện Ea Kar xác định một số đoạn sông có địa hình uốn lượn, gấp khúc, bờ đất cao 5 - 6 m, đặc điểm đất pha cát. Hiện trạng bờ sông một số vị trí đã sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở khi có tác động của môi trường xung quanh (mưa lũ, dòng chảy, tác động của hoạt động khai thác cát…).

Theo thống kê, toàn huyện Ea Kar có 8 vị trí thuộc phạm vi cấp phép của Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết bị sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao. Cụ thể, khu vực 1 tại tọa độ C (1402722.413; 507584.215); tọa độ D (1403549.322; 507635.478) chiều dài khoảng 1.000 m, thuộc thôn 4, xã Ea Păl. Khu vực 2 tại tọa độ E (1404101.536; 507807.572); F (1404338.473; 507790.997), chiều dài khoảng 450 m, thuộc thôn 8, xã Ea Păl.

Sông Krông Pách đoạn qua xã Ea Ô, huyện Ea Kar nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, lòng sông biến dạng.

Có thể nói, cùng với tác động từ hoạt động của thủy điện và biến đổi khí hậu, hoạt động khai thác cát đã góp phần kéo theo nhiều hệ lụy như làm biến đổi dòng chảy ảnh hưởng của các dòng sông gây sạt lở, lũ lụt, không chỉ làm sạt lở đất sản xuất, nhà ở của người dân mà còn làm nhiều kênh mương và một số công trình thủy lợi đầu mối bị sạt lở, hư hỏng; hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông (chủ yếu giao thông nông thôn) bị sạt lở, lầy lội; một số cầu tạm dân sinh bị hư hỏng, cuốn trôi…

Chính quyền địa phương “kêu cứu”

 

Vấn đề nghiêm trọng hiện nay là tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa mưa mà đã xuất hiện cả ở mùa khô; mức độ sạt lở dọc các bờ sông ngày càng lớn và khốc liệt hơn; đặc biệt đối với một số khu vực như xã Nam Ka, Đắk Liêng (huyện Lắk), xã Ea Ô, Ea Păl (huyện Ea Kar)… được xem là “điểm nóng”.

Trước thực trạng các bờ sông bị “tấn công” ngày càng mạnh, người dân ngày ngày sống trong nỗi bất an, bức xúc khi bao nhiêu đất rẫy, ruộng vườn, cây trái trôi theo dòng chảy. Để giải quyết vấn đề này, một số chính quyền địa phương đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên; trong đó, có địa phương dù nhiều lần ý kiến nhưng vẫn không hề nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nào.

Đơn cử như ở xã Nam Ka, năm 2022, chính quyền xã đã nhiều lần tổng hợp, báo cáo tình trạng sạt lở của người dân với cấp có thẩm quyền bằng văn bản, cũng như qua các lần kiểm tra, làm việc thực tế. Đặc biệt, dù đã có đề xuất, kiến nghị với các sở, ngành của tỉnh như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng… xin hỗ trợ lực lượng, phương tiện nhằm xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại cũng như chỉ đạo ngành chức năng cắm biển báo để xác định ranh giới khu vực được khai thác và không được khai thác làm cơ sở cho việc tuần tra, giám sát. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

Về vấn đề này, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lắk, UBND huyện đã có báo cáo lên UBND tỉnh. Đến ngày 7/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 10666/UBND-NNMT giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá xác định nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông để có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô trên địa bàn xã Nam Ka và có cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ, đền bù thiệt hại kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng cũng như ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tránh tình trạng khiếu kiện đông người vượt cấp. Tuy nhiên, đến nay tình trạng khai thác cát không theo quy định vẫn tiếp diễn và đất đai của nhân dân vẫn tiếp tục sạt lở…

Mố cầu Thống Nhất đoạn qua xã Ea Ô, huyện Ea Kar bị sạt lở, gây chia cắt giao thông vào cuối năm 2021.

Tại huyện Ea Kar, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Công văn số 1591/UBND-TNMT, ngày 26/7/2022 và Công văn số 2721/UBND-TNMT, ngày 05/12/2022 đề nghị Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết tạm dừng hoạt động khai thác cát tại khu vực sông Krông Pách thuộc thôn 4 và thôn 8, xã Ea Păl cho đến khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, để đảm bảo sự ổn định, an toàn của bờ sông, tránh gây ảnh hưởng đến đất nông nghiệp của các hộ dân khu vực và tránh gây ảnh hưởng đến các công trình cầu, UBND huyện đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung vào khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát trên sông đối với một số khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn xã Ea Păl, gồm: chiều dài dọc theo sông Krông Pách khoảng 1.000 m thuộc thôn 4 và chiều dài dọc theo sông Krông Pách khoảng 450 m, thuộc thôn 8. Ngoài ra, đề nghị bổ sung vào khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát trên sông đối với khu vực trong phạm vi khoảng cách đối với công trình cầu 1.000 m2 mỗi bên (4 cây cầu trên đoạn sông đã được cấp phép khai thác cát).

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Phân định rõ trách nhiệm

Anh Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.