Multimedia Đọc Báo in

Phục hồi đất thoái hóa và chống hạn hán - yêu cầu cấp thiết

08:38, 05/06/2024

Một trong những vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay là thoái hóa đất/suy thoái đất và hoang mạc hóa ngày càng gia tăng. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hiệp quốc (2021 - 2030), nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Trên 60% diện tích đất điều tra bị thoái hóa

Theo số liệu kiểm kê đất đai, Đắk Lắk có tổng diện tích tự nhiên trên 1,3 triệu ha, gồm đất nông nghiệp gần 1,2 triệu ha (chiếm 90,98% tổng diện tích tự nhiên), đất phi nông nghiệp trên 90.000 ha (chiếm 7,35%), đất chưa sử dụng gần 22.000 ha (chiếm 1,67%). Tài nguyên đất của tỉnh cũng khá đa dạng, gồm 8 nhóm đất với 23 loại đất.

Hồ Ea Siên (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) khô cạn đáy vào tháng 4/2024.

Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.096.217 ha đất bị khô hạn (chiếm 90,32% diện tích điều tra); trong đó, có 35.937 ha đất bị khô hạn nặng, 296.288 ha đất khô hạn trung bình (chiếm 24,41%) và 763.992 ha đất bị khô hạn nhẹ (chiếm 62,94%). Các loại đất chưa sử dụng và đất rừng đặc dụng có tỷ lệ đất bị khô hạn lớn nhất (100% diện tích điều tra ); tiếp đến là đất trồng cây hằng năm khác (chiếm 94,44% diện tích điều tra). 

Khô hạn nặng xảy ra trên địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo và Cư M’gar; đây là các huyện tập trung ở khu vực phía Bắc, có mức độ nắng nóng gay gắt nhất của tỉnh. Đất bị khô hạn trung bình chủ yếu là đất đang phát triển lâm nghiệp, tập trung ở huyện M’Drắk, Krông Bông, Cư Kuin và Lắk... Diện tích đất bị khô hạn nhẹ tập trung phần lớn ở khu vực thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Búk, Krông Ana..., đây là các khu vực chủ yếu canh tác lúa và cây lâu năm, người dân chủ động được nguồn nước tưới nên khô hạn xuất hiện ở mức nhẹ.

Có thể thấy, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều xảy ra hiện tượng đất bị thoái hóa ở các mức độ trên 60% diện tích điều tra của huyện. Điển hình là huyện Krông Bông thoái hóa 92,33% diện tích điều tra; tỷ lệ này ở huyện Krông Ana là 87,29%, huyện Krông Búk là 86,10%, huyện Ea Súp là 85,80%... Đây là những địa phương cần đưa ra cảnh báo khi quá trình thoái hóa đất xảy ra nhanh với diện tích lớn do các khu vực thường bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, khô hạn diễn biến phức tạp, đất đai khô cằn, cây trồng kém phát triển.

Tìm giải pháp phục hồi tài nguyên đất

Đất đai bị suy thoái không những làm giảm năng suất cây trồng, mất khả năng sản xuất nông nghiệp mà còn mang lại hậu quả môi trường nặng nề như ô nhiễm nguồn nước, bồi lắng sông suối và các công trình thủy lợi, thủy điện. Trước thực trạng tài nguyên đất đang phải đối mặt với các vấn đề suy thoái, mất cân bằng dinh dưỡng và hệ sinh thái đất…,  làm thế nào để phục hồi đất, chống hạn hán là vấn đề cấp thiết được đặt ra.

Nông dân huyện Krông Pắc ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng.

Thực tế hiện nay, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp không hợp lý đã và đang tác động trực tiếp đến việc ô nhiễm tài nguyên đất. Theo kết quả nghiên cứu, lượng phân bón được cây trồng hấp thụ trung bình khoảng 40 - 50%, còn lại được thải ra môi trường. Trong khi đó, theo thống kê trên tổng diện tích đất trồng trọt là 493.960 ha, tổng lượng phân bón vô cơ sử dụng là 516.314 tấn/năm, như vậy lượng phân bón vô cơ thải ra môi trường hằng năm là rất lớn. Giải pháp đặt ra là sử dụng “phân bón thông minh lâu tan”, khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh; đồng thời cần phát triển chế phẩm sinh học đa dạng dòng vi sinh vật có ích là yếu tố tất yếu hiệu quả trong cải thiện chất lượng đất.

Biện pháp quan trọng trong việc phục hồi khả năng sản xuất và tăng độ phì nhiêu của đất đã bị thoái hóa đó chính là thiết lập hệ thống hạ tầng thủy lợi phù hợp với quy hoạch vùng nông nghiệp trên cơ sở vừa bảo vệ nguồn nước và điều tiết nguồn nước tập trung một cách hiệu quả trong mùa mưa lũ; đồng thời dự trữ nước cho mùa khô hạn phục vụ nhu cầu tưới nước cho các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, cần áp dụng các kỹ thuật tưới phù hợp đảm bảo đủ lượng nước cho nhu cầu của cây và cho đất. Luân canh các loại cây trồng khác nhau trên một diện tích đất trồng nhằm hạn chế việc cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất cũng là giải pháp để bảo vệ tài nguyên đất...

Có thể nói, việc phục hồi đất thoái hóa đòi hỏi một chiến lược dài hơi về thời gian cùng với một hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ, căn cơ và toàn diện. Đó không chỉ là sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học mà đòi hỏi mỗi người nông dân phải thay đổi tập quán canh tác theo hướng bền vững.

Ngày Môi trường thế giới 5/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) phát động với chủ đề: "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa" nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.