Multimedia Đọc Báo in

Nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã

08:27, 16/10/2024

Mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” ra mắt vào tháng 8/2024 đã thể hiện sự lên án mạnh mẽ trước hành vi xâm hại động vật hoang dã, từ đó hình thành lối sống có trách nhiệm với hệ sinh thái của mỗi người dân.

Động vật hoang dã đang bị xâm hại

Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk và Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ dự án, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) là đơn vị triển khai thực hiện đã phối hợp triển khai một gian hàng giới thiệu thông tin và nêu bật các vấn đề liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đến thăm gian hàng và thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ đa dạng sinh học của các loài ĐVHD.

Mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” chính thức ra mắt từ tháng 8/2024.

Nhằm hưởng ứng thông điệp của các bộ, ngành và những vấn đề quan tâm của địa phương, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật đã được khởi xướng. Trên cơ sở đó, một khảo sát thị trường tại các chợ và cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được thực hiện vào năm 2024, kết quả cho thấy, tình trạng buôn bán ĐVHD trái pháp luật diễn ra ở nhiều nơi.

Trong số 13/16 phường (tỷ lệ 81,3%) được khảo sát có ít nhất một cơ sở tham gia vào các hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Khoảng 44% địa điểm được khảo sát, bao gồm các nhà hàng, cửa hàng thú cưng và hiệu thuốc đông y, được phát hiện có liên quan đến hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra được các hoạt động mua bán ĐVHD trái pháp luật dưới dạng động vật còn sống, các sản phẩm từ những loài động vật này (bao gồm dạng thịt), trong đó có 20 loài được bảo vệ được liệt kê theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, 14 loài được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và 41 loài được liệt kê trong Sách đỏ IUCN bao gồm các loài cực kỳ nguy cấp và nguy cấp.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 24/6/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-MTTQ về Kế hoạch triển khai Mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật”, giai đoạn 2024 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các hoạt động và chiến lược trọng tâm nhằm xóa bỏ tình trạng buôn bán sản phẩm ĐVHD trái pháp luật và thúc đẩy các hành động bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên quý giá của tỉnh một cách bền vững.

 

"Mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật” nêu bật sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam không chỉ trong những lĩnh vực kinh tế, văn hóa mà cả bảo tồn thiên nhiên trong việc phòng, chống tình trạng buôn bán ĐVHD trái pháp luật”.

 
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Bế Trung Anh

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, với mô hình này, TP. Buôn Ma Thuột đặt việc bảo vệ ĐVHD như một phần của các giá trị cốt lõi hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững. Đây là bước tiến trong việc chủ động đấu tranh phòng, chống nạn buôn bán ĐVHD trái pháp luật, góp phần chung tay thực hiện sứ mệnh bảo vệ ĐVHD và đa dạng sinh học tại Việt Nam, từ đó gia tăng sức thu hút đối với những du khách có ý thức về môi trường tới địa phương.

Cam kết và hành động

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng cho biết, toàn thành phố hiện có 417 cơ sở nuôi ĐVHD với 3.056 cá thể, 19 loài. Trong đó, ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, ĐVHD thuộc Phụ lục Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) có 10 loài với 1.243 cá thể; ĐVHD thông thường có 10 loài với 1.808 cá thể.

Những năm qua, UBND thành phố luôn chú trọng đến công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã với nhiều hình thức như tuyên truyền, kiểm tra, xử lý để ngăn chặn các hành vi vi phạm...

Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã tiếp nhận và xử lý 55 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp; thả 59 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm về môi trường tự nhiên.

Cùng với đó, tổ chức hơn 30 đợt tuyên truyền, ký cam kết với hơn 100 nhà hàng, quán ăn trong khu vực, xử lý 1 vụ vi phạm hành chính liên quan đến vận chuyển ĐVHD trái pháp luật. Đồng thời, triển khai chương trình giáo dục bảo vệ ĐVHD tại hơn 20 trường học trên địa bàn thành phố, tiếp cận hơn 10.000 học sinh, nhằm thay đổi nhận thức và thói quen của thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bảo vệ ĐVHD và môi trường sinh thái.

Lãnh đạo tỉnh đạp xe diễu hành kêu gọi người dân nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.

“TP. Buôn Ma Thuột cam kết sẽ triển khai mô hình hiệu quả, đồng thời kêu gọi mỗi người dân, cộng đồng nói không với thịt thú rừng, xây dựng lối sống có trách nhiệm với hệ sinh thái. Song song với đó, xử lý nghiêm những hành vi mua bán, săn bắn trái phép ĐVHD, liên kết với các doanh nghiệp để bảo đảm các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật không được bày bán, tịch thu các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật và truy tố các trường hợp hoạt động phi pháp” - Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng nhấn mạnh.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.