Tạm giam bị can H’Bích Niê là đúng quy định pháp luật
Báo Đắk Lắk nhận được đơn khiếu nại của ông Lê Kim Tuyến (SN 1984, trú buôn Pan, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) với nội dung: Vợ của ông là bà H’Bích Niê (SN 1986) hiện đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là cháu L.Đ.L.N. (sinh ngày 17/7/2021).
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bà H’Bích Niê để điều tra về hành vi giúp sức lừa đảo chiếm đoạt tài sản (liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra từ năm 2014 - 2017).
Theo đơn khiếu nại: Mặc dù bà H’Bích Niê đã có đơn xin tại ngoại để được chăm con dưới 36 tháng tuổi và cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các biện pháp tố tụng khác cũng như bảo đảm có mặt theo lệnh triệu tập nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh vẫn bắt tạm giam là trái quy định pháp luật. Hiện nay, cháu L.Đ.L.N. chưa cai sữa nên rất cần mẹ. Khi gia đình đưa con đến tiếp xúc với mẹ (bà H’Bích Niê) thì Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh cũng tạm giam luôn cháu bé. Ông Tuyến đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh xem xét lại việc bắt tạm giam bà H’Bích Niê, cho bà H’Bích Niê được tại ngoại.
Liên quan đến nội dung đơn trên, phóng viên Báo Đắk Lắk đã trao đổi với Thượng tá Lê Hồng Hải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh - đơn vị trực tiếp ban hành quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bà H’Bích Niê. Thượng tá Hải cho biết, bị can H’Bích Niê liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, từ năm 2014 đến 2017, H’Bích Niê, Hoàng Thị Bích Phương (SN 1975, trú phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) và Hoàng Thị Lan (hiện nay đang chấp hành án tại trại giam Đắk Trung - Bộ Công an) có quen biết với nhau. Khoảng thời gian này, H’Bích và Phương đã tìm những người có khả năng tài chính, rồi đưa ra thông tin gian dối là Lan cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng. Đồng thời cam kết sau khi đáo hạn xong, Lan sẽ trả cả tiền gốc và lãi cao. H’Bích và Phương còn chỉ dẫn, giới thiệu về một số khu nhà xưởng, đất đai của người khác nhưng nói dối là tài sản của Lan để các bị hại tin tưởng cho Lan vay tổng cộng 2,130 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Năm 2019, Hoàng Thị Lan bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên 20 năm tù. Đồng thời, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng cũng có Quyết định kháng nghị phúc thẩm, yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk điều tra bổ sung đối với H’Bích Niê và Hoàng Thị Bích Phương về hành vi đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tránh bỏ lọt tội phạm. Qua quá trình điều tra bổ sung, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đã có đủ căn cứ xác định đối tượng H’Bích Niê và Hoàng Thị Bích Phương có liên quan đến vai trò giúp sức Hoàng Thị Lan thực hiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, ngày 2/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với hai bị cáo này để điều tra, xử lý theo quy định.
Theo Thượng tá Lê Hồng Hải, việc bắt tạm giam bị can H’Bích Niê để điều tra là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi ra quyết định khởi tố bị cáo và lệnh bắt tạm giam thì đã được Viện KSND tỉnh phê chuẩn. Cụ thể, bị can H’Bích Niê khai báo quanh co, chối tội, không trung thực, cung cấp thông tin gian dối, gây cản trở, khó khăn trong quá trình điều tra. Như vậy là vi phạm điểm c, khoản 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:… Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này”.
Trường hợp cháu L.Đ.L.N., khi thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can H’Bích Niê, lực lượng công an cũng đã động viên ông Lê Kim Tuyến để cháu bé ở nhà nuôi dưỡng, song nguyện vọng gia đình vẫn là mang cháu đến ở cùng với mẹ. Theo quy định pháp luật thì điều này được phép. Về phía Trại tạm giam - Công an tỉnh cũng đã bố trí các điều kiện để chăm sóc đối với bị can H’Bích và con nhỏ dưới 36 tháng tuổi theo Nghị định 113/2021/NĐ-CP ngày 14/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 6/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk, ông Trần Quyết Chiến, Phó Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố Kiểm sát điều tra, Kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ - Viện KSND tỉnh cho biết, đối với bị can H’Bích Niê, ngoài những nguyên nhân nêu trên thì trong quá trình điều tra, bị can này còn có hành vi chống đối, không hợp tác. Mỗi khi cơ quan chức năng mời làm việc thì bị can đều tìm cách né tránh. Mặt khác, Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh cho thấy, bị can H’Bích Niê thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng - là đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc