Multimedia Đọc Báo in

Cần xử lý dứt điểm mâu thuẫn do tranh chấp lối đi vào rẫy

07:58, 06/05/2022

Đã hơn 5 năm nay, 4 hộ dân có đất sản xuất tại buôn H’Rat (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) gồm các ông: Nguyễn Thiên, Lê Quang Dương, Nguyễn Hà và bà Trần Thị Thông làm đơn gửi đến TAND TP. Buôn Ma Thuột khởi kiện việc một hộ dân ngang nhiên rào, chiếm đường đi chung vào rẫy cà phê, gây khó khăn cho việc đi lại. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử, gây bức xúc dư luận tại địa phương.

Theo phản ánh của các nguyên đơn, từ năm 1993, khi họ mua rẫy tại đây thì hiện trạng đã có đường đi chung dài khoảng 200 m rộng 3 m nối từ trục chính đường liên thôn vào đến các thửa đất của gia đình. Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ cũng thể hiện có đường vào rẫy rõ ràng. Tuy nhiên, từ năm 2005, khi chủ sử dụng thửa đất phía đầu đường sang nhượng rẫy cho ông L.N.P. thì ông này đã trồng thêm một hàng cà phê và hàng cây muồng lấn ra đường khiến lối đi chung chỉ còn rộng khoảng 1,5 m. Chưa dừng lại, những năm gần đây, ông P. còn tiếp tục rào chắn bít luôn đường xuống các rẫy phía sau của người dân. Trước sự việc oái oăm trên, năm 2017 cả 4 hộ có đất rẫy phía trong đường đồng khởi kiện ông P. ra TAND TP. Buôn Ma Thuột, yêu cầu trả lại đường đi chung. Năm 2019, ông P. chết, các nguyên đơn tiếp tục khởi kiện những người thừa kế thửa đất trên là các con của ông này.

Đường đi chung vào rẫy được người dân phản ánh là bị lấn chiếm.

Phóng viên đã tìm gặp chủ thửa đất đang có tranh chấp lối chung vào rẫy của các hộ phía trong nhưng người này từ chối làm việc và cho biết không có gì cần trao đổi.

Liên quan đến vụ việc này, theo Luật sư Lương Thanh Vỹ (Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh), sau khi đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thụ lý phải sớm đưa vụ án ra xét xử nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân. Trong quá trình thụ lý vụ án tại Tòa cấp sơ thẩm mà bị đơn chết (như vụ việc này) thì theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng. Trong trường hợp các hàng, đồng thừa kế từ chối quyền tham gia tố tụng thì Tòa án sẽ tiến hành đình chỉ vụ án. Nếu sau này người nào thừa kế tài sản của người đã chết để lại thì nguyên đơn có quyền tiếp tục yêu cầu khởi kiện đối với người có quyền thừa kế tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Từ việc tranh chấp đường đi chung nói trên, những năm qua giữa các nguyên đơn và bị đơn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, thậm chí có hành vi mang cuốc, dao dọa đánh nhau… gây mất trật tự an ninh tại địa phương. Về phía chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần hòa giải nhưng không thành. Thậm chí, UBND xã Ea Kao đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu chủ sử dụng thửa đất phía đầu đường dỡ bỏ hàng rào thép gai để người dân có lối đi lại, nhưng sau khi đoàn đi khỏi hiện trường thì họ tiếp tục rào chắn lại. Mới đây, hộ này còn đào nhiều hố sâu giữa đường, và khi các hộ dân phía trong phát hiện ra lấp thì lại tiếp tục xảy ra xô xát.

Qua sự việc này, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn nữa trong công tác hòa giải tại cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc, tranh chấp của người dân, bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Bên cạnh đó, TAND TP. Buôn Ma Thuột cần sớm đưa vụ án ra xét xử nhằm giải quyết dứt điểm không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp phức tạp kéo dài.

Tòa soạn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.