Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với “việc nhẹ lương cao” ở Campuchia

08:54, 22/07/2022

Không tốn chi phí, dễ dàng được nhận vào các công ty làm “việc nhẹ lương cao”, một số trường hợp trên địa bàn xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) đã sập bẫy những lời mời chào qua mạng xã hội xuất cảnh trái phép qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Lương đâu chưa thấy, một số người đã bị đánh đập, hành hạ, bỏ đói, bán cho công ty khác và buộc gia đình phải dùng tiền chuộc về.

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày P.H.N. (SN 2005) được trở về nhà ở thôn 3 (xã Ea Tar), bà Nguyễn Thị Dơi (90 tuổi), cụ ngoại của N. vẫn còn bàng hoàng khi kể lại lúc nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của đứa chắt: “Ông bà, bố mẹ ơi cứu con với, không thì con chết mất”. Cả gia đình N. điêu đứng, mất ăn mất ngủ khi nhìn ảnh đứa cháu tiều tụy, khắp mình thương tích vì những vết chích điện, đánh đập, chỉ biết cuống cuồng xoay xở tiền nong theo yêu cầu của các đối tượng.

Vào tháng 5/2022, N. đi xuống Vũng Tàu rồi lên mạng tìm việc. Sau khi để lại bình luận muốn tìm việc làm tại trang “vieclamdongnai” trên Facebook, một đối tượng nữ đã liên hệ, gửi tin nhắn qua Messenger, giới thiệu công việc cho N. với rất nhiều đãi ngộ: không cần đóng phí ban đầu, mọi thủ tục, đưa đi có người lo, việc nhẹ, chỉ cần ngồi một chỗ, bao ăn ở, lương 12 triệu đồng/tháng.

Đối tượng nữ đó còn gọi video, cho N. nhìn rõ hình ảnh những lao động người Việt Nam đang làm việc tại công ty máy tính bên Campuchia. Với tâm lý nhẹ dạ cả tin, non nớt của trẻ vị thành niên, N. lập tức đồng ý mà không hề báo cho gia đình biết.

Trong thời gian ở Campuchia, em P.H.N. (thôn 3, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) bị chích điện, đánh đập, hành hạ và vẫn còn lưu lại dấu vết.

Được đối tượng hướng dẫn, ngày 1/6/2022, N. đến Bến xe Miền Đông, di chuyển qua nhiều địa bàn, có người đón và chở N. bằng xe mô tô đưa sang Campuchia bằng đường tiểu gạch. Khi đến trạm tập kết, N. thấy có khoảng 40 người nữa. Họ được đưa lên nhiều xe khác nhau để đi đến các công ty làm việc.

Ngày 4/6/2022, N. được đưa đến tỉnh Preah Sihanuok (Campuchia), làm việc cho một công ty máy tính của Trung Quốc và bị thu hết giấy tờ tùy thân. N. được hướng dẫn cách thức lừa đảo người khác thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, với chỉ tiêu doanh số là 100 triệu đồng/tháng. Làm được 4 ngày, N. nhận thấy không thể hoàn thành nên xin được trở về Việt Nam thì bị đánh đập, chích điện, bỏ đói, uy hiếp phải gọi về cho gia đình yêu cầu gửi 130 triệu đồng tiền chuộc.

 

Người dân cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” tại Campuchia cũng như đi xuất cảnh trái phép. Để tránh “tiền mất tật mang”, khi phát hiện có đối tượng dụ dỗ qua mạng xã hội, người dân cần báo cho cơ quan công an, chính quyền địa phương xử lý, ngăn chặn".

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar Thái Thị Anh Hòa

Nhận được tin, gia đình N. rất hoang mang, lo lắng. Gia đình N. đã bán hết nông sản, chạy vạy vay mượn được 100 triệu đồng chuyển khoản cho đối tượng nhưng do chưa đủ số tiền yêu cầu nên chúng bán N. cho một công ty khác.

Tại công ty thứ hai, N. cùng một nhóm 8 người được giao chỉ tiêu kiếm 600 triệu đồng/tháng với thủ đoạn tương tự. Khi không thể làm được, N. muốn xin nghỉ và quay về thì công ty yêu cầu đóng 100 triệu đồng.

Sau 10 ngày kinh hoàng trên đất khách, đến 14/6/2022, N. được trở về vòng tay yêu thương của gia đình, họ hàng nhưng cái giá phải trả cho sự bồng bột, non nớt quá đắt. Bố mẹ, ông bà N. vốn đã khó khăn, nay phải gánh thêm khoản nợ trên 200 triệu đồng.

Không chỉ có N., trước đó vào tháng 4/2022, B.T.T. (SN 1993), ở buôn M’lăng (xã Ea Tar) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. T. đã bị một tài khoản Facebook là nữ tiếp cận, trò chuyện, rủ rê đi làm việc cho một công ty máy tính ở Campuchia với mức lương khởi điểm khoảng 16 triệu đồng/tháng, mọi chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt đều được công ty chi trả.

Công việc của T. liên quan đến một trang cá cược bóng đá với doanh số được giao khoảng 22 triệu đồng/tháng. Sau một tháng, T. không đạt chỉ tiêu nên không được nhận lương như thỏa thuận. Khi T. yêu cầu được về Việt Nam thì công ty đòi số tiền chuộc là 75 triệu đồng. T. đành gọi điện về nhà cầu cứu, sau khi chuyển đủ tiền, T. mới được thả về.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar Thái Thị Anh Hòa cho biết: Trước tình trạng trên, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và lực lượng công an đã tổ chức 2 đợt phát động quần chúng tại các thôn, buôn, đẩy mạnh tuyên truyền, vạch rõ thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời, UBND xã giao trách nhiệm cho ban tự quản các thôn, buôn rà soát từng hộ, nắm tình hình con em đang làm việc tại các tỉnh phía Nam để nhắc nhở, cảnh báo.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.