Multimedia Đọc Báo in

Bắt đối tượng dùng tiền âm phủ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

16:47, 01/09/2022

Công an TP. Buôn Ma Thuột đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thị Phượng (SN 1983, trú xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về 2 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trộm cắp tài sản.

Theo kết quả điều tra, Phượng từng có một tiền án 7 năm 9 tháng tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và trộm cắp tài sản. Sau khi ra tù, Phượng không tu chí làm ăn mà tiếp tục “ngựa quen đường cũ”. Mới đây, Phượng đến tỉnh Đắk Lắk thuê khách sạn ở để thực hiện hành vi phạm tội.

Đối tượng Nguyễn Thị Phượng bị bắt giữ.
Đối tượng Nguyễn Thị Phượng bị bắt giữ.

Sáng ngày 12/8, Phượng đến chợ đầu mối Tân Hoà (TP. Buôn Ma Thuột) làm quen với chị Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1980, trú TP. Buôn Ma Thuột). Sau đó, Phượng lên kế hoạch thuê chị Cẩm chở bằng xe máy đến một số địa điểm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột gặp bạn hàng để lấy tiền nợ.

Khi đến chợ Tân An, Phượng đi bộ vào mua 20 nghìn đồng được một xấp tiền âm phủ rồi cho vào một túi ni lông màu đen. Sau đó, Phượng ra gặp chị Cẩm và nói mở cốp xe để Phượng nhờ bỏ tiền. Phượng còn cố tình giơ túi ni lông đựng tiền âm phủ lên để chị Cẩm thấy và nghĩ đó là tiền thật. Khi lên xe, Phượng tiếp tục yêu cầu chị Cẩm chở đến chợ lớn Buôn Ma Thuột để gặp bạn hàng lấy tiền. Tại đây, Phượng mượn chị Cẩm chiếc điện thoại Iphone Xs Max để vào chợ gọi cho bạn. Vì nghĩ tiền của Phượng đang ở trong cốp xe máy mình nên chị Cẩm đã đồng ý. Sau khi chờ mãi không thấy Phượng ra, chị Cẩm mở cốp xe kiểm tra thì tá hoả phát hiện cọc tiền Phượng gửi là tiền âm phủ.

Tại cơ quan Công an, Phượng khai nhận còn thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trộm cắp tài sản tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Tiền Giang, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.