Multimedia Đọc Báo in

Phổ biến tình trạng sử dụng xe máy độ chế ở các xã vùng sâu Krông Bông

06:34, 11/09/2022

Hiện nay, tại các thôn đồng bào Mông ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm (huyện Krông Bông) đang lưu hành hàng trăm xe máy độ chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Những chiếc xe máy được độ chế hầu hết là xe cũ, trong đó nhiều xe không có giấy tờ, không có biển số, không rõ nguồn gốc được thợ sửa chữa xe máy thay đổi kết cấu như: nâng gầm máy cao thêm từ 10 - 20 cm; loại bỏ hết phần nhựa, đèn, gương chiếu hậu, bộ phận để chân; thay bình xăng, thay đổi kết cấu sườn xe (kéo dài khung xe từ 20 - 30 cm so với ban đầu); lắp thêm phanh... Mỗi chiếc xe như vậy được thợ bán từ 12 - 15 triệu đồng; hoặc nếu người dân đem xe cũ đến “độ” thì tiền công thợ từ 7 - 8 triệu đồng.

Phương tiện đi làm rẫy hằng ngày của đồng bào Mông xã Cư Pui chủ yếu là những chiếc xe máy độ chế. 

Xã Cư Drăm có 5 thôn đồng bào Mông với 996 hộ. Nhiều khu rẫy của bà con ở trên đồi cao, đường sá khó khăn, khó vận chuyển nông sản nên hầu hết người dân sử dụng xe máy độ chế để đi lại. Ông Hầu Xuân Sàng, Trưởng thôn Yang Hăn cho biết: “Thôn Yang Hăn có 106 hộ là người Mông thì có trên 50% gia đình có xe máy độ chế. Ở các thôn Ea Hăn, Ea Luêh, Nao Hú, tình trạng cũng tương tự. Người dân thường dùng xe máy độ chế chở nông sản, nhiều người thậm chí còn dùng lưu thông trên đường liên thôn, liên xã”. 

Xã Hòa Phong có 2 thôn đồng bào Mông là Ea Khiêm và Noh Prông với hơn 500 hộ. Do địa hình ít dốc nên lượng xe máy độ chế cũng ít hơn, cả 2 thôn hiện có khoảng 10 chiếc. Nơi có nhiều xe máy độ chế nhất ở huyện Krông Bông có lẽ là 6 thôn đồng bào Mông của xã Cư Pui. Theo thống kê, thôn Cư Rang có 178 hộ, hơn 40 cái xe máy độ chế; thôn Ea Lang 175 hộ, có khoảng 60 chiếc; thôn Ea Uôl có khoảng gần 220 chiếc; thôn Cư Tê có hơn 200 chiếc... Theo anh Cháng Seo Thề, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Cư Tê, do rẫy ở đồi cao, cách xa nhà nên việc vận chuyển nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Xe máy bình thường, chưa cải tạo thì không thể chở được vì gầm xe thấp, sườn xe lại ngắn nên chở được khối lượng hàng hóa ít; không lên dốc được nếu đường đi quá dốc, nhiều ổ gà, sình lầy. Vì vậy, những nhà có rẫy cao hầu như gia đình nào cũng dùng xe độ chế để đi làm nương rẫy và chở ngô, sắn, lúa...

Những chiếc xe máy độ chế của đồng bào Mông dùng để chở nông sản.

Thôn Ea Bar có lẽ là nơi có nhiều xe máy độ chế nhất ở xã Cư Pui. Thôn có 347 hộ là người dân tộc Mông thì có đến khoảng 300 chiếc xe máy độ chế. Anh Ma Seo Nhà, Trưởng thôn Ea Bar cho hay: Bà con cũng biết rằng sử dụng xe máy độ chế lưu thông là vi phạm, nhiều người đã bị cảnh sát giao thông bắt giữ, tịch thu xe vì xe không có giấy tờ, tự ý thay đổi kết cấu xe, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nếu không độ chế xe thì rất khó khăn trong vận chuyển nông sản mùa thu hoạch nên bà con cứ đánh liều sử dụng. 

Những chiếc xe máy được độ chế của người dân thôn Cư Tê (xã Cư Pui).

Được biết, để hạn chế tình trạng người dân sử dụng xe máy độ chế lưu thông, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành những quy định an toàn khi tham gia giao thông; lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Krông Bông cũng đã xử lý, tịch thu nhiều xe máy độ chế, song đến nay số lượng loại xe này trong các thôn đồng bào Mông vẫn còn rất nhiều.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.