Tìm giải pháp chống “giặc lửa”
Sáng 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn cứu hộ và lực lượng PCCC.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm vừa xảy ra, thiệt hại nặng nề và đau xót nhất là vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương làm chết 32 người.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm (2017 - 2021), cả nước đã xảy ra hơn 17.000 vụ hỏa hoạn, làm chết 433 người, bị thương 790 người. Thiệt hại về vật chất do cháy là hơn 7.000 tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng. Những con số thiệt hại do “giặc lửa” gây ra thật kinh hoàng! Và người dân cần câu trả lời cho những vấn đề như: Năng lực cứu nạn cứu hộ của lực lượng PCCC đang ở mức độ thế nào? Năng lực, giám sát, quản lý, cấp phép an toàn cháy nổ cho các quán karaoke nói riêng, các doanh nghiệp nói chung ra sao? Đâu là giải pháp hữu hiệu mang tính vĩ mô để thời gian tới cả nước chiến đấu hiệu quả với “giặc hỏa”?
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) tập huấn phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Hoàng Ân |
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCCC được tổ chức trực tuyến có sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Rất nhiều ý kiến cởi mở, thẳng thắn đã được đưa ra. Trong đó, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính được nhiều người đồng tình: "Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và cứu nạn cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân".
Đúng vậy, nếu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phải chịu trách nhiệm ở các cấp độ, chắc chắn công tác cứu hộ cứu nạn và PCCC sẽ tốt lên. Hãy nhìn vụ hỏa hoạn ở quán karaoke tại Bình Dương sẽ hình dung phần nào bức tranh toàn cảnh về thực trạng chống và xử lý hậu quả “giặc hỏa” ở ta. Đại diện UBND tỉnh Bình Dương tại hội nghị đã đưa ra ví dụ nói lên điểm yếu về thiếu thiết bị chuyên dụng: lực lượng cứu hộ đục một lỗ thông tường nhưng phải mất 1 giờ. Về trách nhiệm: Chủ quán karaoke đã đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh nhưng… bỏ ngoài tai khuyến cáo hệ thống điện không an toàn. Nhiều nạn nhân có cơ hội sống sót nếu tuân thủ chỉ đạo của lực lượng cứu hộ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ cháy quán karaoke nhưng để truy tận cùng trách nhiệm của cả hệ thống liên quan thảm họa làm chết 32 người là rất khó triệt để.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu trước mắt Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực. Nghiêm ngặt, nghiêm minh, chặt chẽ, không lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong giám sát, kiểm tra, hướng dẫn. Điều đó thể hiện sự cấp bách, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong cuộc trường chinh chống “giặc hỏa” mà ông dùng cụm từ là: “cần có tư duy và cách tiếp cận mới”.
Được biết, hàng loạt địa phương đang tiến hành ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa. Hy vọng, cả nước cùng đồng loạt vào cuộc để đánh dấu một chặng đường mới chống “giặc hỏa” có hiệu quả hơn.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc