Đưa pháp luật đến gần hơn với người dân
Những năm qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh, hướng về cơ sở. Qua đó, kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành trong nhân dân.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Trước đây, Ea Riêng là xã trọng điểm về an ninh trật tự của huyện M’Drắk, nhất là tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, tảo hôn, hủ tục lạc hậu.
Trước thực trạng đó, xã Ea Riêng đã tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho nhân dân; vận động xây dựng, ký quy ước về loại bỏ một số hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới hỏi, ma chay…
Nhờ đó đến nay, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi. Tình trạng ngăn cản hôn nhân tự nguyện, cưỡng ép kết hôn, tảo hôn đã được xóa bỏ...
Cán bộ huyện M'Drắk và xã Cư Króa (bên trái) trao đổi về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất với người dân. |
Ông Hồ Xuân Thương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện M’Drắk cho biết, để mọi người dân đều hiểu, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hằng năm, huyện đã xây dựng, quản lý và khai thác hiệu quả mô hình tủ sách pháp luật, tham gia cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật do các cấp, ngành phát động; đồng thời tổ chức lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt hằng tháng, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề của tổ chức hội, đoàn thể… Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các quy định pháp luật mới, chú trọng một số nội dung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ… và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của công dân.
Còn tại huyện Krông Pắc, để công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, huyện đã chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp như: tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của huyện, của xã, trên trang Zalo, Facebook của công an, hội, đoàn thể; trên đài truyền thanh huyện, hệ thống loa phát thanh của xã; treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, bảng điện tử trên các tuyến đường và tại các cơ quan, đơn vị... Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến GDPL với các hình thức linh hoạt, đa dạng, nội dung phong phú, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã truyền tải thường xuyên, kịp thời đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Qua đó, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật; đồng thời góp phần quan trọng thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Đổi mới, bám sát thực tiễn
Ngay khi Luật Phổ biến GDPL được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành (ngày 20/6/2012), UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai một cách đồng bộ, thống nhất gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hơn 170 luật, pháp lệnh khác. Nhiều văn bản dưới luật, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương cũng được triển khai phổ biến kịp thời, rộng rãi đến cán bộ, công chức, nhân dân. Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin, truyền thông về chính sách mới trong các dự thảo văn bản pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận… cũng được triển khai thường xuyên, kịp thời, sát với tình hình địa phương.
Công an xã Cư Né, huyện Krông Búk đến nhà tuyên truyền pháp luật cho người dân. |
Có thể khẳng định, qua 10 năm triển khai, công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến GDPL ngày càng được nâng lên. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, định hướng nội dung, hình thức tuyên truyền bám sát yêu cầu thực tiễn.
Nếu như trước đây, công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL chỉ thông qua hình thức tuyên truyền miệng tại các hội nghị, theo hướng một chiều, thì những năm gần đây, các hình thức tuyên truyền đã được đổi mới, đa dạng hơn. Các báo cáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng đề cương tuyên truyền, thường xuyên sử dụng máy chiếu cho người dân xem video, hình ảnh sinh động, làm cho nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Nhờ đó, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Toàn tỉnh hiện có 199 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 358 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 3.383 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Trong 10 năm qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đăng tải hơn 13.000 tin, bài; hơn 4.000 phóng sự trên các chuyên trang, chuyên mục pháp luật và đài truyền hình, đài truyền thanh. Tổ chức hơn 25.000 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 3.000.000 lượt người tham gia; cấp phát gần 800.000 bộ tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, tờ gấp pháp luật. |
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc