Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H’leo: Đổi mới tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống

08:09, 09/11/2022

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Ea H’leo đã thực hiện đổi mới, đa dạng các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL)…

Buôn Đung A và buôn Đung B ở xã Ea Khăl (huyện Ea H’leo), với 378 hộ, hơn 1.800 nhân khẩu, chủ yếu là người Êđê và Hrê. Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn thường xuyên diễn ra, là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Trước thực tế đó, cùng với việc tăng cường bám cơ sở, cử cán bộ đến từng nhà vận động, UBND xã Ea Khăl đã đổi mới hoạt động tuyên truyền bằng hình thức tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm sân khấu hóa các nội dung tuyên truyền PBGDPL bằng những tiểu phẩm gần gũi, dễ hiểu đến với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị H’Ren Êban, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Đung B cho biết, cách đây 10 năm, phụ nữ trong buôn lập gia đình rất sớm, có trường hợp

Cán bộ tư pháp huyện cùng công chức, người dân xã Ea Khăl (huyện Ea H'leo) trao đổi và xây dựng kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền về pháp luật.

mới 20 tuổi mà có đến ba người con... Là cán bộ hội phụ nữ, chị cũng thường xuyên trò chuyện, phổ biến các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình như: tảo hôn là vi phạm pháp luật; sinh dày, sinh nhiều có thể dẫn đến nghèo đói... mà không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, khi xã xây dựng những tiểu phẩm, biểu diễn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng thu hút đông đảo bà con đến xem đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Đơn cử như tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào năm 2018, tiểu phẩm “Bắt chồng cho con” với nội dung bàn về những hệ lụy cũng như hậu quả nặng nề do tảo hôn để lại cho chính nạn nhân, gia đình và xã hội, thiệt thòi nhất là những bé gái phải làm vợ, làm mẹ trong độ tuổi đến trường, đã tác động sâu sắc không chỉ đối với người trẻ, phụ nữ mà cả người già, đàn ông trong buôn.

Ông Lê Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Ea Khăl (huyện Ea H’leo) cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, nhận thấy phương pháp trực quan sinh động, có tính hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, mang lại hiệu quả cao, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã xây dựng nhiều tiểu phẩm, trong đó lồng ghép các nội dung liên qua đến Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy... biểu diễn trong các ngày lễ, hội nghị, sự kiện, buổi sinh hoạt các thôn, buôn, trường học trên địa bàn. Với sự đa dạng trong phương pháp tuyên truyền, công tác PBGDPL đã giúp người dân nơi đây từng bước nâng cao nhận thức, bài trừ các hủ tục lạc hậu, chấp hành tốt pháp luật.

Một tiểu phẩm trong chương trình tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật an toàn giao thông trên địa bàn huyện Ea H'leo.

Không chỉ riêng địa bàn xã Ea Khăl, để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn, huyện Ea H’leo đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương các xã, thị trấn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL; đổi mới nội dung tuyên truyền theo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền các luật, nghị quyết mới liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cùng các lĩnh vực được dư luận quan tâm như: cải cách hành chính; khiếu nại, tố cáo; an toàn giao thông; phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình...

Theo ông Phạm Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, với nhiều hình thức đa dạng như: phổ biến trực tiếp tại các hội nghị, phát trên hệ thống truyền thanh, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của MTTQ và các đoàn thể, lồng ghép trong các hoạt động hòa giải, tiếp công dân, tuyên truyền lưu động; in ấn tờ rơi, tờ gấp, hội thi, hội diễn..., công tác PBGDPL trên địa bàn đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, toàn huyện Ea H’leo đã tổ chức gần 4.500 cuộc phổ biến pháp luật, khoảng 580.000 lượt người tham gia; hơn 33.000 bài dự thi tham gia các cuộc thi, hội thi, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật do các cơ quan Trung ương, tỉnh tổ chức; in, phát miễn phí gần 162.000 tài liệu tuyên truyền; đăng tải 8.222 tin, bài trên các phương tiện truyền thông…

Gia Bảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.