Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa giao thông: Góc nhìn pháp luật và đạo đức

07:13, 25/09/2022

Những năm gần đây, trong bối cảnh dân số tăng nhanh, nền kinh tế trên đà phát triển, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trở thành bài toán khó, nhất là đối với các khu vực đô thị. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, thì việc xây dựng văn hóa giao thông cũng là một trong những giải pháp được chú trọng.

Văn hóa giao thông có quan hệ khăng khít với pháp luật về giao thông, trước hết là hành động tuân thủ pháp luật giao thông, song nó còn thể hiện ở những hành vi ứng xử có văn hóa, có đạo đức (ngoài những điều được quy định trong luật) của người tham gia giao thông.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu khái niệm về văn hóa giao thông như sau: “Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân dọc tuyến Quốc lộ 26. Ảnh: Hoàng Tuyết

Cũng theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong văn hóa giao thông có ba tiêu chí: một là, về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; hai là, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; ba là, có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Như vậy, nói đến văn hóa giao thông, thực chất là nói đến cách ứng xử của con người với các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và quan hệ giữa con người với nhau khi tham gia giao thông. Trong đó, các hành vi ứng xử trước hết phải thực hiện, tuân thủ đúng luật định; tiếp đó là cần có ý thức tự giác, có trách nhiệm, tôn trọng, ứng xử lịch sự, văn minh với những người liên quan, bảo đảm an toàn và trật tự công cộng.

Trách nhiệm của người tham gia giao thông cũng đã được quy định cụ thể tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật. Theo đó, nêu rõ về việc tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển, kiểm soát giao thông; tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn; bảo vệ các công trình, thiết bị an toàn giao thông; phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông…

Đấy là về mặt pháp luật, còn về mặt đạo đức, văn hóa giao thông thể hiện ở việc nhường đường, sẵn sàng giúp đỡ người khuyết tật, người già, phụ nữ, trẻ em khi tham gia giao thông; là thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn; là việc không chen lấn, xô đẩy khi đi xe buýt; là việc giữ vệ sinh chung trên các phương tiện giao thông công cộng…

Thực tế hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh một số người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, lấn làn, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông thì thoái thác trách nhiệm, cãi vã, thậm chí gây gổ với nhau.

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Cư M'gar) tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông đa phần là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Cụ thể, qua phân tích từ 3.354 vụ tai nạn trên đường bộ 6 tháng đầu năm 2022, có đến 92,58% nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; không quan sát, chuyển hướng không chú ý; không giữ khoảng cách an toàn; vượt xe sai quy định; vi phạm tốc độ xe chạy; sử dụng rượu, bia; không nhường đường; vi phạm biển báo hiệu đường bộ; tránh xe sai quy định…

Điều này cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Và như vậy, để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thì việc chấp hành pháp luật và hành vi ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố mang tính quyết định.

Bên cạnh có những chế tài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục một cách hiệu quả hơn nữa để mỗi người dân đều tuân thủ đúng pháp luật, hình thành được thói quen tham gia giao thông một cách có văn hóa, đạo đức khi tham gia giao thông.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc