Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường hoạt động theo dõi, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

08:07, 09/11/2022

Thi hành pháp luật là đặc trưng cơ bản trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm bảo đảm cho hệ thống pháp luật vận hành thông suốt,  xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, phóng viên Báo Đắk Lắk đã phỏng vấn bà PHAN THỊ HỒNG THẮNG, Giám đốc Sở Tư pháp để làm rõ những nỗ lực của địa phương trong việc không ngừng nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong thời gian qua.

 

* Xin bà cho biết, việc không ngừng đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã góp phần vào sự phát triển của địa phương như thế nào?

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là một nội dung trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo sâu sát triển khai công tác này. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh hiện nay với gần 400 văn bản còn hiệu lực, điều chỉnh hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Hoạt động xây dựng văn bản QPPL ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL và tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Song song với đó, để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các văn bản QPPL, tỉnh cũng đã đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, phát hiện sớm nội dung quy định pháp luật không còn phù hợp, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

Với những nỗ lực không ngừng trong đổi mới công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã góp phần quan trọng cùng các cơ quan nhà nước ở Trung ương xây dựng hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.

* Thông qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, bà có đánh giá như thế nào về tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Theo dõi thi hành pháp luật là cách thức giúp Đảng, Nhà nước kiểm nghiệm tính đúng đắn của các chính sách, pháp luật đã được ban hành trong thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phát hiện sai sót trong tổ chức thực hiện để hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Thông qua công tác này cho thấy tình hình tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhìn chung có nhiều tiến bộ trên nhiều mặt.

Hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thực hiện những quy định pháp luật tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các vấn đề có nhiều dư luận về dấu hiệu tiêu cực, qua đó khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai hiệu quả ở cả hai mặt phòng và chống, hạn chế điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng trong thực hiện pháp luật, thực thi quyền lực nhà nước, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị cơ bản đúng quy định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật được triển khai quyết liệt, làm giảm mạnh tội phạm về trật tự xã hội, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy với số lượng lớn, nhiều điểm, tụ điểm tệ nạn xã hội gây bức xúc trong nhân dân…

Tuy vậy, tình hình vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi; hành vi vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực (bảo vệ rừng, đất đai, môi trường, đô thị, xây dựng...) chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời; giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ việc kéo dài...

* Để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, cần thực hiện những giải pháp gì, thưa bà?

Triển khai Chỉ thị số 43/CT-TTg, ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành luật, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở tỉnh ta luôn quan tâm, chú trọng công tác thi hành pháp luật ngay từ giai đoạn xây dựng chính sách pháp luật, với trọng tâm là đổi mới hoạt động ban hành văn bản đi đôi với nâng cao chất lượng văn bản QPPL, bảo đảm các nguồn lực triển khai thi hành pháp luật ở địa phương. Nhiều giải pháp đã được tập trung triển khai kịp thời như: chỉ đạo, hướng dẫn việc thi hành pháp luật trong các ngành, lĩnh vực và các cấp chính quyền; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật; tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật một cách có hệ thống, rõ ràng, minh bạch, trong đó, đặc biệt quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức xử lý theo thẩm quyền các phản ánh, kiến nghị của người dân...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, đổi mới hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật, gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai truyền thông chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa để người dân chủ động tham gia tích cực, hiệu quả; hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, nâng cao hiểu biết và ứng xử theo pháp luật.

Thứ hai, đề cao sáng kiến, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ ba, chủ động phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có trách nhiệm, hiệu quả trong tổ chức thực hiện pháp luật giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật (thu thập thông tin, điều tra, khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng, kiến nghị về thi hành pháp luật), phát huy vai trò chủ động, tích cực của tổ chức xã hội, công dân trong tham gia theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương.

Thứ năm, nâng cao chất lượng thực thi công vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức thi hành pháp luật. Xây dựng văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ và nhân dân.

* Xin trân trọng cảm ơn bà!

Lê Hương (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.