Multimedia Đọc Báo in

Áp lực giữ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

08:19, 24/05/2023

Nạn khai thác gỗ, săn bắn thú rừng vẫn diễn ra khá nhức nhối tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (huyện Ea Kar). Thực trạng này đang khiến cho “cuộc chiến” giữ rừng nơi đây gặp nhiều gian nan, thách thức…

Nhiều người phải bỏ việc

Ông Võ Đức Minh, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 5 cho biết, Trạm được giao quản lý, bảo vệ (QLBV) hơn 3.000 ha rừng giáp ranh với tỉnh Phú Yên và Gia Lai. Khu vực này có sông Krông H’năng chảy qua. Những năm trước, lâm tặc xâm nhập vào rừng khai thác gỗ trái phép rồi cắt, xẻ thành từng tấm nhỏ thả trôi sông về đến hạ nguồn trên đất Phú Yên để trục vớt, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện. Mùa mưa, mực nước sông Krông H’năng dâng cao, công tác tuần tra của lực lượng kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn.

Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tuần tra, bảo vệ rừng.

“Nhiều khi bắt được lâm tặc phải ở lại bên kia sông vài ba ngày canh giữ, chờ nước rút mới đưa về xử lý. Còn vào mùa khô, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, thời tiết nóng bức…, khiến công tác giữ rừng càng thêm vất vả. Chưa kể, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phải xa gia đình, túc trực trong rừng sâu, đối mặt với nguy hiểm, phức tạp, thậm chí lúc ốm đau, gặp nạn, anh em cũng chỉ biết động viên nhau chứ biết kêu ai được!”- ông Minh bộc bạch.

Anh Trương Quốc Việt, nhân viên Trạm số 1 cho biết, Trạm có 5 người, đang QLBV gần 2.500 ha rừng. Đây là khu vực rừng mà lâm  tặc hay rình rập, chờ sơ hở là xâm nhập đốn hạ. Công việc vất vả, áp lực QLBV rừng lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng, lâm tặc tinh vi, manh động. Những năm qua, trong đơn vị đã có rất nhiều trường hợp kiểm lâm bị lâm tặc bắn, đâm chém trọng thương.  Khó khăn lớn nhất hiện nay của nhân viên Khu BTTN Ea Sô là mức lương và phụ cấp quá thấp, chưa tương xứng với công sức mà lực lượng bảo vệ rừng đã bỏ ra. Đa số thu nhập mỗi người chỉ dưới 5 triệu đồng/tháng, không bảo đảm cuộc sống nên nhiều người đã lần lượt bỏ việc.

Theo Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô, hiện nay đơn vị có 55 kiểm lâm viên trực tiếp QLBV rừng. Các trạm của Khu bảo tồn lại nằm sâu trong rừng, còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thậm chí có nơi không điện, sóng điện thoại... khiến cuộc sống của kiểm lâm gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lương, phụ cấp thấp, không đủ để họ phụ giúp gia đình nuôi con ăn học. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị có 7 người xin nghỉ việc.

Ông Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô cho hay, trước thực trạng trên, mong rằng các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần sớm có những chính sách điều chỉnh cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với lực lượng bảo vệ rừng, giúp họ có thêm thu nhập để yên tâm công tác. Nếu không có giải pháp kịp thời, về lâu dài, đội ngũ này sẽ giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến công tác QLBV rừng càng thêm khó khăn hơn.

Đối diện những thách thức

Khu BTTN Ea Sô có diện tích hơn 26.848 ha, nằm giáp ranh giữa 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên, giao thông đi lại khá thuận lợi. Nhiều năm qua, khu bảo tồn này luôn là "điểm nóng" về vi phạm lâm luật. Các đối tượng lâm tặc tìm mọi cách xâm nhập khai thác gỗ và săn bắn thú rừng trái phép, khi bị phát hiện, ngăn chặn thì chúng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng QLBV rừng.

Vọng gác rừng của Trạm Kiểm lâm số 1 luôn có người túc trực để quan sát tầm xa.

Ông Trần Quốc Huy cho hay, những năm qua, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thường xuyên triển khai các đợt truy quét, tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ và ngăn chặn các đối tượng săn bắn động vật hoang dã, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập, phá rừng vẫn xảy ra. Gần đây nhất là vào ngày 17/5 vừa qua, lực lượng kiểm lâm phát hiện ba người điều khiển ba xe máy độ chế vận chuyển gốc cây gỗ từ tiểu khu 616 (thuộc Trạm kiểm lâm số 5 - giáp với tỉnh Gia Lai) ra ngoài. Khi thấy kiểm lâm, các đối tượng bỏ chạy, để lại tang vật. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng (chỉ có ba kiểm lâm), Công an địa phương chưa kịp đến phối hợp xử lý, nên ngay sau đó, các đối tượng đã quay lại cùng với khoảng 20 người khác, mang theo hung khí chống trả lực lượng kiểm lâm, đập phá xe tang vật rồi tẩu thoát.

Đơn vị chủ yếu chỉ được trang bị bình xịt hơi cay, súng bắn đạn cao su. Những công cụ này khó có sức răn đe các đối tượng đông người, manh động. Cùng với đó là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hiểm trở với nhiều đồi núi cao, sông suối sâu. Chẳng hạn như khu vực tiếp giáp với hai xã: Krông Năng và Ia Hdreh (của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Từ trụ sở chính của Ban quản lý Khu bảo tồn, nếu đi xe máy phải xuống địa phận tỉnh Phú Yên rồi vòng sang tỉnh Gia Lai mới đến khu vực này được; còn đi tuần tra đường bộ phải băng rừng lội suối hàng chục giờ mới tới nơi. Do đó, áp lực giữ rừng ở đây ngày càng lớn.

Năm 2022, Khu BTTN Ea Sô phát hiện, xử lý 10 vụ, với 10 đối tượng về hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm sản và quản lý rừng; thu giữ gần 4,5 m3 gỗ các loại, 1 xe công nông độ chế, 5 cưa máy, 1 súng hơi và 41 bẫy thú. Từ đầu năm 2023 đến nay, cũng đã phát hiện, xử lý 3 vụ, 1 đối tượng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.