Tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến: Cần thêm những nguồn lực
Nếu như trước đây, hoạt động xét xử chỉ thực hiện tại hội trường xét xử của tòa án thì với thời đại kỹ thuật, công nghệ hiện đại, hệ thống tòa án đã thực hiện tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến.
Một bước đột phá trong cải cách tư pháp
Xét xử bằng hình thức trực tuyến là việc tòa án tổ chức phiên tòa tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường Internet, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Một phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm TAND huyện Krông Bông. |
Ông Nguyễn Đình Triết, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, thời gian qua TAND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức một số phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến. Sau hơn hai năm triển khai, TAND hai cấp đã tổ chức được 115 phiên tòa (cấp tỉnh 11 phiên và cấp huyện 104 phiên). Ngoài ra, TAND tỉnh đã phối hợp với TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức 172 phiên tòa phúc thẩm trực tuyến.
Thực tế cho thấy, các phiên tòa đều diễn ra thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, bị cáo được bố trí ra tòa tại điểm cầu trại tạm giam, nhà tạm giữ, tạo thuận lợi cho lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp vì không phải áp giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến tòa án, hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra trên đường di chuyển.
Bên cạnh đó, phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến không những không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn giúp tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa vì lý do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng.
Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến còn bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bảo đảm việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ việc, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án.
Còn những vướng mắc, bất cập
Theo ông Nguyễn Đình Triết, mặc dù các phiên tòa xét xử trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tuy nhiên qua thời gian triển khai thực tế, hình thức xét xử này vẫn còn có những vướng mắc, bất cập.
Có thể kể đến một số khó khăn, như: TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh chưa được trang bị những thiết bị chuyên dụng để phục vụ phiên tòa trực tuyến mà phải tận dụng hệ thống truyền hình của hội nghị trực tuyến qua sự điều phối của Trung tâm Tin học – Vụ Tổng hợp (TAND Tối cao); phải thuê, mượn camera, hệ thống âm thanh, hội trường của đơn vị khác; TAND cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin nên còn khó khăn khi triển khai phiên tòa trực tuyến cũng như các phần mềm, công nghệ mới...
Một phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm TAND huyện M'Drắk. |
TAND hai cấp trong tỉnh mong muốn các cấp, các ngành tăng cường nguồn lực đầu tư, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cũng như các giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động xét xử này”. Ông Nguyễn Đình Triết, Phó Chánh án TAND tỉnh
|
Bên cạnh đó, về phía cơ sở giam giữ chưa thể bố trí phòng xử án theo mô hình, chưa có thiết bị, đường truyền để phục vụ phiên tòa trực tuyến, một số đơn vị không thể kết nối hệ thống mạng nội bộ trong hệ thống an ninh.
Ngoài ra, mỗi tháng, TAND tỉnh phải dành hai nhân sự (1 cán bộ phụ trách tin học và 1 cán bộ thư ký) để trực từ 3 - 5 ngày và một hội trường xét xử phục vụ 20 - 30 phiên tòa trực tuyến cho TAND Cấp cao tại Đà Nẵng…
Ông Bùi Văn Tâm, Chánh án TAND huyện Lắk nhìn nhận, hình thức xét xử trực tuyến là một chủ trương lớn và rất phù hợp, thuận tiện cho các tòa án cấp cao hoặc tòa án cấp tỉnh. Còn đối với tòa án cấp huyện, cụ thể là nhìn vào điều kiện và thực tế triển khai tại huyện Lắk thì hình thức này chưa thực sự phù hợp.
Do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nên lâu nay TAND huyện Lắk mới chỉ có một hội trường để xét xử tất cả các loại án chứ chưa nói đến việc bố trí hệ thống âm thanh, hình ảnh cho phòng xét xử trực tuyến.
Đơn cử như vào năm 2023, TAND huyện Lắk cũng tổ chức được 3 phiên tòa xét xử trực tuyến, nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi phương tiện, máy móc chưa được đầu tư; nhân sự có chuyên môn về kỹ thuật cũng không có nên phải nhờ nhân viên công nghệ thông tin của TAND tỉnh xuống hỗ trợ từ khâu kiểm tra, thuê thiết bị đến kết nối đường truyền; phải gom các vụ án để xét xử trong cùng một thời gian.
Bên cạnh đó, các vụ án xét xử trực tuyến mới chỉ là án hình sự, còn các loại án khác thì tòa án không thể quán xuyến điểm cầu tại nhà của đương sự được…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc