Ngăn ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng: Giải pháp từ xác minh tài sản, thu nhập
Xác minh tài sản, thu nhập được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”: Xác minh tài sản, thu nhập là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và nghị định này về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Nghị định số 130 nêu rõ, số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất một người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đại diện các cơ quan, đơn vị bốc thăm lựa chọn người xác minh tài sản, thu nhập. |
Thực hiện công tác xác minh tài sản, thu nhập, mới đây, Thanh tra tỉnh tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua đó đã xác định được 39 cá nhân thuộc 12 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm công tác tại các sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh. Trọng tâm là xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực, các khâu, các công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực tổ chức, cán bộ, quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch; cấp phép, đấu thầu, đấu giá; tài chính ngân sách, quản lý vốn.
Trong hướng dẫn về kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm, Nghị định 130 chỉ rõ, người kê khai phải mô tả đầy đủ về tài sản như: quyền sử dụng thực tế đối với đất; nhà ở, công trình xây dựng; tài sản khác gắn liền với đất; vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên; cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản ở nước ngoài… Người kê khai phải kê khai tài sản tăng hoặc giảm tại thời điểm kê khai so với tài sản đã kê khai trước đó và giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm, nguồn hình thành thu nhập trong kỳ áp dụng với lần kê khai thứ hai trở đi.
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Phạm Văn Sáu (bên phải) chủ trì buổi bốc thăm lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập. |
Thanh tra tỉnh thông tin, nếu quá trình thực hiện, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau hai lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng các giải pháp tổng thể công tác phòng, chống tham nhũng. Kể từ năm 2022 đến nay, Đắk Lắk đã thực hiện ba đợt bốc thăm lựa chọn người xác minh, kê khai tài sản; qua đó phát hiện trường hợp kê khai còn sai sót, thiếu đầy đủ.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc