Multimedia Đọc Báo in

Triển khai luật bảo đảm đồng bộ, khả thi

08:44, 19/06/2024

Những luật mới được xây dựng một cách công phu, khoa học và phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề còn lại là sớm đưa chính sách mới vào thực tiễn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức, cá nhân.

Từ ngày 1/7/2024, 10 luật mới có hiệu lực gồm: Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Căn cước 2023; Luật Tài nguyên nước 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và Luật Giá 2023.

Bên cạnh đó, nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, Quốc hội đang xem xét để 4 luật có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8/2024), bao gồm: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Tổ chức tín dụng 2024.

Luật Hợp tác xã 2023 có nhiều chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Tấn Hưng (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc).

Để các luật được triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tiễn, Chính phủ, các bộ đã có những văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, triển khai Luật Giá 2023 có Nghị định quy định về quản lý, điều tiết giá và Thông tư quy định về phương pháp định giá rừng; hướng dẫn định khung giá rừng; cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam; quy định về kinh phí đầu tư xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về giá. Thi hành Luật Hợp tác xã 2023 có Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HTX năm 2023; Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã…

Liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ đã rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; quy định về điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh toán không dùng tiền mặt; chương trình tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ; cơ chế tài chính của ngân hàng chính sách… Đối với Luật Đất đai 2024, hiện có 10 nghị định, thông tư liên quan đang được xây dựng để hướng dẫn thi hành.

Tại Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thi hành luật từ ngày 1/8/2024. Rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, không tạo "khoảng trống" pháp luật, pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm. Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.

Không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, các nghị định cần xây dựng trên nguyên tắc khoa học, dễ hiểu và dễ thực hiện để các địa phương khi áp dụng luật không gặp khó khăn, không phát sinh vướng mắc.

Minh Kiệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.