Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo “nhiệm vụ trực tuyến” mới

08:49, 04/08/2024

Trong thời đại số hóa hiện nay, lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng phổ biến và nguy hiểm, gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Những kẻ gian lợi dụng nhu cầu kiếm thêm thu nhập của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, nội trợ… để thực hiện các chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Với thủ đoạn làm “nhiệm vụ trực tuyến” nhận hoa hồng, các đối tượng (thường làm việc theo nhóm, được phân công nhiệm vụ cụ thể theo từng khâu) sử dụng số thuê bao cố định hoặc di động gọi điện đến số điện thoại của người dân để “giới thiệu việc làm online, tại nhà, cam kết không cọc tiền, không ôm hàng, không phải bán hàng, nhận tiền lương, hoa hồng hằng ngày, thủ tục rút tiền nhanh gọn…”.

Sau khi được người dân đồng ý, các đối tượng sẽ đề nghị kết bạn trên mạng xã hội Zalo hoặc cho số điện thoại để người dân kết bạn. Sau đó, các đối tượng tiếp tục nhắn tin dụ dỗ, đề nghị người dân tải, tham gia đăng ký tài khoản tại ứng dụng nhắn tin trực tuyến khác như Telegram, Discord, Gototo… và kết bạn với một đối tượng khác được cho là “hướng dẫn viên” trên ứng dụng đó.

Sau đó “hướng dẫn viên” tiếp tục hướng dẫn người tham gia truy cập vào đường link hoặc một ứng dụng khác để đăng ký tài khoản, tham gia vào nhóm làm việc để nhận các “nhiệm vụ” hoặc “hoạt động” (gọi chung là nhiệm vụ). Trong các nhóm làm việc này có nhiều thành viên là người của nhóm lừa đảo, thường xuyên đăng tải các bình luận, hình ảnh nhận được tiền lương, hoa hồng để dụ dỗ “con mồi”.

Mỗi ngày các đối tượng sẽ đưa ra từ 15 - 18 “nhiệm vụ” như bình luận, đánh giá sản phẩm, bình chọn địa điểm như khách sạn, nhà hàng… sau khi thực hiện xong nhiệm vụ người tham gia sẽ được nhận từ 10.000 - 15.000 đồng/nhiệm vụ.

Hình ảnh các “Nhiệm vụ hằng ngày” khi tham gia làm việc trực tuyến.

Khi có từ 20.000 - 50.000 đồng trong tài khoản thì người tham gia có thể rút tiền về tài khoản ngân hàng một cách dễ dàng. Tuy nhiên đối tượng chỉ cho người tham gia rút được một số tiền nhất định (khoảng từ 200.000 - 350.000 đồng) với nhiều lý do khác nhau như: không đủ điểm tín dụng, hết hạn mức tài khoản… Để tiếp tục rút được tiền, các “hướng dẫn viên” yêu cầu người tham gia “nâng cấp tài khoản VIP”, “lưu lượng cao cấp” hoặc tham gia các “giao dịch thương mại” bằng cách nạp tiền vào tài khoản (chuyển khoản đến một số tài khoản do “hướng dẫn viên” cung cấp) với các mức khác nhau như nạp 300.000 đồng được nhận lại 390.000 đồng, nạp 10 triệu đồng được nhận lại 14 triệu đồng….

Khi người tham gia hoàn thành việc nạp tiền, “hướng dẫn viên” sẽ báo do lỗi hệ thống hoặc sai cú pháp nên số tiền nạp vào bị treo, yêu cầu người tham gia tiếp tục nạp vào số tiền như trên để được mở khóa. Tuy nhiên người tham gia nạp tiền xong thì hệ thống vẫn không mở khóa hoặc mở với số tiền ít hơn nhiều lần số tiền nạp vào, các “hướng dẫn viên” tiếp tục yêu cầu nạp tiền để mở khóa. Do tâm lý muốn lấy lại số tiền đã nạp, người tham gia tiếp tục nạp tiền cho đến khi số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng thì các đối tượng chiếm đoạt tiền bằng cách chặn tài khoản, ngắt liên lạc với người tham gia.

Khi tham gia làm “nhiệm vụ trực tuyến” này, người dân không chỉ bị mất tiền mà còn có thể để lộ các thông tin cá nhân quan trọng, có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc khi truy cập vào đường link lạ, thậm chí có thể mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng khi thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng.

Hình ảnh “không đủ điểm tín dụng” rút tiền khi tham gia làm "nhiệm vụ trực tuyến".

Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia bất kỳ công việc trực tuyến nào. Đồng thời, không cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin tài khoản ngân hàng cho các trang web hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc. Để bảo vệ mình, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống, tin cậy để cập nhật những cảnh báo mới nhất về các hình thức lừa đảo trực tuyến. Khi phát hiện trang web, hành vi lừa đảo, cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Đại úy Trương Đắc Viết

(Phòng PA03 Công an tỉnh Đắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.