Multimedia Đọc Báo in

Xịt sơn phá hoại ô tô: Chớ cả giận mất khôn!

04:59, 27/10/2024

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột liên tục xảy ra các trường hợp xe ô tô đậu ven đường bị xịt sơn, vẽ bậy, phá hoại… Những hành vi này thường thực hiện với mục đích “dằn mặt” chủ xe, nhưng thực tế lại là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên thường thấy là do nhiều chủ xe đậu đỗ sai quy định, chiếm dụng vỉa hè hay lòng đường, chắn ngang hàng quán kinh doanh, gây khó khăn cho người đi bộ… khiến không ít người bức xúc.

Mới đây, 2 chiếc xe ô tô (24 chỗ và 7 chỗ) đậu trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu (phường Tân Tiến) đã bị  xịt sơn đỏ lên phần hông cửa. Ông H. (chủ chiếc xe ô tô 7 chỗ) thừa nhận, việc đậu đỗ xe trên vỉa hè dành cho người đi bộ là sai quy định và đã đóng phạt, nhưng đồng thời cũng yêu cầu cơ quan công an điều tra xử lý nghiêm đối tượng xịt sơn.

Chiếc xe ô tô đậu trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu (phường Tân Tiến) bị xịt sơn đỏ.

Tương tự, vào sáng 5/9, anh Q. đậu ô tô sát lề đường Lê Thánh Tông (phường Thắng Lợi), ngay trước một cửa tiệm bán bánh trung thu trên vỉa hè. Khoảng 30 phút sau, anh quay lại thì phát hiện ô tô đã bị vết xước sơn dài từ nắp capo vòng qua phía bên trái đến cuối đuôi xe.

Ngay sau đó anh Q. đã trình báo cơ quan công an để xử lý. Quá trình làm việc, lực lượng chức năng xác định bà O. (nhân viên của tiệm bánh trung thu trên vỉa hè) đã dùng vật sắc nhọn gạch vào thân xe của anh Q. Lý do được bà O. khai nhận là bức xúc vì ông Q. đậu xe chắn trước cửa hàng gây ảnh hưởng đến việc buôn bán nên đã hành động bột phát. Bà O. đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.

Theo Luật sư Lê Xuân Anh Phú, Công ty Luật TNHH MTV Thành Công và cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), dù có lý do chính đáng để bức xúc, việc xịt sơn hay phá hoại tài sản của người khác là hành vi phạm pháp luật. Hành vi xịt sơn, dùng vật sắc nhọn cào xước sơn xe của người khác là tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính và phải bồi thường dân sự.

Căn cứ theo điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức (trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 21 Nghị định này) thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trường hợp giá trị tài sản bị hủy hoại đủ để cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt từ 10 triệu - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm - 5 năm.

Để hạn chế tình trạng này, người dân cần nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức trong thực hành nếp sống văn minh đô thị. Thay vì hành động bột phát, người dân nên phản ánh với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời đối với những trường hợp đậu xe sai quy định. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, nhằm tạo môi trường sống văn minh hơn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.