Cảnh giác với shipper… giả
Gần đây, cơ quan chức năng, phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo về tình trạng mạo danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Mới đây, đang làm việc tại công ty, chị Phạm Thị H. (ở TP. Buôn Ma Thuột) nhận cuộc gọi xưng từ một shipper, hỏi chị có nhà không để đến giao món hàng. Vì có đặt hàng qua mạng nên như thường lệ, chị H. đề nghị shipper cứ gửi hàng cho chồng đang ở nhà và chị thanh toán đơn hàng trị giá 300.000 đồng bằng cách chuyển khoản.
“Thế nhưng, khi về đến nhà, tôi hỏi đã nhận gói hàng chưa thì anh chồng chưng hửng bảo có nhận được gì đâu. Bực mình, tôi gọi lại số điện thoại của shipper thì đầu kia cứ khăng khăng là giao hàng rồi. Tôi bảo, chồng tôi đang đứng đây nè thì đầu kia cắt máy cái rụp, gọi lại lần nữa thì ò í e", chị H. kể. Tiếp đó, chị H. gọi lại cho chủ shop hỏi đã giao hàng chưa thì mới biết phía người bán vẫn chưa chuyển hàng. Lúc này chị H. mới biết là bị shipper giả lừa.
Ảnh minh họa: Internet |
Chị Phan Thị L. - nhân viên một công ty bảo hiểm ở TP. Buôn Ma Thuột cũng cho biết, mới đây chị cũng nhận được điện thoại từ một shipper giả gọi hỏi có nhà không để đến giao hàng, trong khi chị không đặt đơn hàng nào cả. “Tuy nhiên, đối tượng shipper giả nói rất rõ ràng địa chỉ, họ tên của tôi và bảo đợi đấy để đến giao hàng. Biết chắc là mình không có đặt hàng, tôi nói cứng là không nhận. Vậy là shipper giả đầu kia lên giọng gay gắt, chửi xối xả nào là đặt hàng rồi mà giờ “bùng” hả, ai chịu phí vận chuyển, tiền hàng đây…”, chị L. bức xúc.
Các chuyên gia an ninh mạng đã có nhiều cảnh báo về các nguyên nhân dẫn đến việc lộ lọt thông tin cá nhân người dùng. Một số nguyên nhân có thể kể đến như: người dùng thiếu nhận thức hay thiếu coi trọng về thông tin cá nhân, dễ dàng chia sẻ hình ảnh, thông tin danh tính trên không gian mạng; nhiều nền tảng mạng xã hội bị hacker xâm nhập đánh cắp thông tin người dùng; các nhân viên trong các tổ chức, doanh nghiệp bán thông tin của khách hàng ra bên ngoài nhằm trục lợi cá nhân, hoặc bị dẫn dụ mua lại thông tin danh tính cá nhân với giá rẻ…
Theo cơ quan chức năng, đối với hình thức giả shipper lừa đảo trên, thủ đoạn của các đối tượng thường là gọi điện thoại cho người dân tự xưng là nhân viên giao hàng thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền COD. Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên. Các đối tượng sau đó gửi cho nạn nhân đường link trang Facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để người dân liên hệ hủy đăng ký hội viên. Khi người dân bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.
Điểm chung của các vụ lừa đảo với chiêu thức giả mạo nhân viên giao hàng trên là các đối tượng lừa đảo đều nắm rõ thông tin của khách hàng, thông tin của các đơn hàng. Điều đó cho thấy người dân thường bị lộ lọt thông tin trong quá trình mua hàng online. Vì vậy, các đơn vị bán hàng/sàn thương mại điện tử/đơn vị vận chuyển/đơn vị quản lý phần mềm bán hàng cần tăng cường hơn nữa trong công tác bảo mật thông tin khách hàng. Đồng thời, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần thận trọng hơn trong việc cung cấp thông tin cá nhân; cần cảnh giác kiểm tra lại thông tin trước khi thực hiện các hoạt động như thanh toán chuyển khoản, bấm vào các đường link hay nhập thông tin cá nhân…
Mạnh Phong
Ý kiến bạn đọc