Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

07:32, 27/04/2025

Những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Đủ chiêu trò

Đầu tháng 3/2025, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) tiếp nhận tin báo của ông N.V.L. (trú TP. Buôn Ma Thuột) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5,4 tỷ đồng.

Theo đó, tháng 10/2024, ông L. được giới thiệu tham gia nhóm Zalo tên “Cổ phiếu sáng giá 111”. Tại đây, ông L. được tài khoản tên Minh CFI và tài khoản tên Phan Diệp là trợ lý cho tài khoản Minh CFI tư vấn, phân tích đầu tư các mã chứng khoán miễn phí để tạo niềm tin. Đến tháng 2/2025, tài khoản Phan Diệp giới thiệu cho ông L. sàn giao dịch điện tử CFI tại Việt Nam. Ông L. tham gia bằng cách tải ứng dụng từ đường link http://app.cfi-vnd.com về máy điện thoại. Sau khi tải về, tài khoản Phan Diệp cấp cho ông L. một tài khoản (do đối tượng quản lý) để ông L. thực hiện các giao dịch mua, bán các mã sản phẩm trên sàn CFI theo sự hướng dẫn của tài khoản Minh CFI.

Sau ba ngày mua bán theo hướng dẫn của Minh CFI thì ông L. thấy tài khoản đầu tư có lợi nhuận. Tài khoản Phan Diệp tiếp tục dẫn dụ ông L. tạo tài khoản trên ứng dụng CFI và chuyển tiền vào để đầu tư. Thời gian đầu, khi thực hiện các giao dịch mua bán trên sàn theo hướng dẫn đều phát sinh lợi nhuận nên ông L. tiếp tục chuyển thêm tiền nhiều lần để đầu tư. Đến ngày 5/3/2025, khi ông L. thực hiện các giao dịch rút tiền thì các đối tượng đưa ra các lý do yêu cầu ông L. chuyển thêm tiền nhưng ông L. không đồng ý và lập tức bị các đối tượng chặn liên lạc.

Lực lượng công an bắt quả tang nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại xã Ea Phê, huyện Krông Pắc.

Còn trường hợp chị T.T.D. (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), vào ngày 23/3/2024, chị nhận được điện thoại của một người đàn ông xưng là nhân viên ngân hàng thông báo chị sắp phải đóng phí thường niên hằng năm của thẻ tín dụng TPBank Visa Platinum. Khi biết chị D. không có nhu cầu sử dụng thẻ thì người này nói sẽ hỗ trợ chị hủy thẻ mà không cần ra ngân hàng nhưng chị D. cần phải xác nhận, cung cấp một số thông tin cá nhân. Chỉ vài phút sau khi cung cấp thông tin, tài khoản của chị D. bị trừ 148 triệu đồng.

Thủ đoạn tinh vi

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì những năm gần đây, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý người dân.

Có thể kể đến như: giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện dọa bắt, khởi tố; tuyển việc làm, cộng tác viên bán hàng, mẫu ảnh qua mạng và yêu cầu nộp tiền làm nhiệm vụ thử việc; hack Facebook, Zalo sau đó sử dụng công nghệ AI (deepfake, deepvoice) để giả mạo chủ tài khoản vay tiền người thân; kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán… với lợi nhuận cao trên các ứng dụng giả mạo, sàn giao dịch ảo; giả mạo luật sư, kỹ sư công nghệ thông tin, công an hứa hẹn lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng, qua các ứng dụng; giả làm người ở nước ngoài để kết bạn làm quen, hẹn hò và hứa hẹn sẽ cho tiền, quà tặng; tạo lập các website, app cho vay qua mạng, rút tiền nhanh trong vòng 5 phút; giả mạo cán bộ thuế, bảo hiểm xã hội, công an, điện lực lừa cài đặt các ứng dụng giả mạo chứa mã độc; giả mạo nhân viên của các cửa hàng lớn như Yody, Điện máy xanh, Bách hóa xanh… gọi điện, nhắn tin thông báo chương trình tặng quà, tri ân khách hàng.

Gần đây, chúng còn sử dụng công nghệ AI – Artificial Intelligence để cắt ghép hình ảnh cá nhân của người dân vào những hình ảnh, video nhạy cảm, đồi trụy rồi gửi tin nhắn dọa dẫm yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, nếu không chúng sẽ phát tán hình ảnh, video gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín.

Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) nghiên cứu các hồ sơ vụ việc về lừa đảo trên không gian mạng.

Vào tháng 1/2025, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh phối hợp với Cục An ninh mạng – Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Công an huyện Krông Pắc triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo trên không gian mạng với quy mô rất lớn, xuyên quốc gia, có tính chất chuyên nghiệp, đa dạng phương thức, thủ đoạn. Các đối tượng trong đường dây đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Thượng tá Võ Anh Tú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết, các nạn nhân "sập bẫy" của tội phạm sử dụng công nghệ cao thường do tâm lý hám lợi, thiếu hiểu biết hoặc hoang mang, lo sợ trước những lời đe dọa.

Để phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, mọi người dân phải nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản mạng xã hội, ngân hàng cho bất kỳ ai; không cài đặt các ứng dụng lạ, không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn liên kết, website lạ và không chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chưa xác định chính xác người nhận.

Người dân tuyệt đối không mua bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng; cảnh giác với các mã QR được dán ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email; cảnh giác với website giả mạo thông qua tên website hoặc tên miền có những đuôi lạ như: cc,xyz,tk,tv... Khi nghi ngờ đối tượng có hành vi lừa đảo, người dân cần đến cơ quan công an gần nhất để trình báo.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) tiếp nhận 128 tin báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

 

Anh Dũng


Ý kiến bạn đọc