Multimedia Đọc Báo in

Bạo lực học đường: Chuyện con trẻ, trách nhiệm người lớn!

08:11, 16/04/2025

Không còn là những trường hợp cá biệt, bạo lực học đường đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng trong đạo đức và hành vi của một bộ phận học sinh. Một câu hỏi đau đáu đặt ra: Chúng ta đang để con trẻ học điều gì?

Báo động bạo lực lứa tuổi học sinh

Sáng 4/3, cộng đồng mạng sững sờ khi xem đoạn clip quay lại cảnh nữ sinh P.H.Y.N. (học lớp 10 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thị xã Buôn Hồ) liên tục chửi bới, tát vào mặt và cầm dụng cụ chích điện mini để đe dọa bạn nữ N.T.L. ngay trong lớp học. Nguyên nhân của vụ việc này chỉ vì trước đó, N. thấy một bài viết trên mạng xã hội (đăng dưới dạng ẩn danh) nói xấu mình. Nghi ngờ L. là người viết nên sáng ngày 4/3, khi đến lớp, N. đã đánh bạn. Cảnh tượng ấy được học sinh khác quay video và đăng tải lên mạng xã hội như một… trò tiêu khiển.

Trước đó không lâu, vào tối 19/2 tại thôn Đoàn Kết, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), khi em P.V.D. (học sinh lớp 10, Trường THPT Võ Nguyên Giáp, huyện Ea Kar) đang nằm võng hóng mát tại khu vực sân bóng của thôn thì bất ngờ bị N.T.D. (học sinh lớp 8 của một trường trên địa bàn xã) cầm gậy ba khúc (vỏ nhựa, lõi sắt) lao đến đánh tới tập vào người và đầu. Hậu quả, em P.V.D. bị chấn thương đầu phải khâu 12 mũi, gãy kín xương bàn tay. Nguyên nhân là giữa P.V.D. và N.T.D. chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ từ trước.

Nhóm học sinh đánh một bạn nam ngay ngoài đường. Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội

Mới đây, ngày 5/3/2025, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip dài hơn 9 phút, quay lại cảnh một nhóm thiếu nữ xô xát, đánh nhau. Trong clip, nhóm thiếu nữ đã chửi bới, liên tục đấm, đá vào vùng đầu, người và lột áo một nữ sinh khác ngay giữa chốn đông người. Một học sinh đứng ở ngoài quay clip rồi gửi cho người khác phát tán trên mạng. Đoạn clip sau đó được xác định ghi vào khoảng 20 giờ 15 phút ngày 1/3/2025 tại hoa viên thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Trong nhóm thiếu nữ đánh nhau đó có hai học sinh liên quan là em N.T.T. và em T.V.H.Đ. (cùng SN 2010, học lớp 8A4 của Trường THCS Buôn Trấp).

Những sự việc này không còn là chuyện “lệch lạc cá biệt” mà là biểu hiện của một xu hướng nguy hiểm - khi học sinh sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, “thể hiện bản lĩnh”, thậm chí một “chiến tích” để thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Đáng lo hơn, hành vi bạo lực diễn ra công khai, thản nhiên. Các clip không chỉ được quay lại mà còn được chỉnh sửa, thêm nhạc nền, thậm chí lồng ghép biểu cảm “giỡn chơi” rồi tung lên mạng như một “thành tích”.

Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Thật dễ dàng để chỉ tay về phía học sinh và lên án hành vi của các em và cũng không khó để tìm ra “đáp án” cho những câu hỏi: Các em đã học điều đó từ đâu? Đâu là nguồn nuôi dưỡng tâm lý bạo lực? Vì sao có sự vô cảm trong hành động?

Có lẽ nguyên nhân sâu xa bắt đầu từ chính môi trường trưởng thành của các em. Khi cha mẹ mải mê công việc, bỏ quên con trong thế giới công nghệ, thiếu quan tâm, thiếu đối thoại thì những lỗ hổng trong tâm lý của trẻ không được lấp đầy. Không ít phụ huynh chỉ chăm chăm vào điểm số, xếp hạng trên lớp, trong khi đời sống tinh thần, cảm xúc và đạo đức của con lại bị xem nhẹ. Thậm chí, khi con vi phạm, thay vì phối hợp với nhà trường để giáo dục, lại quay ra bênh vực, đổ lỗi cho giáo viên. Sự bao che đó chỉ khiến học sinh trở nên xem thường kỷ cương và pháp luật.

Về phía nhà trường, vai trò giáo dục đạo đức cũng đang gặp nhiều trở ngại. Nhiều trường hợp giáo viên khi xử lý học sinh vi phạm liền bị “bẻ lái” thành hành vi vi phạm nhân quyền, bị đưa lên mạng xã hội, bị bóp méo đến mức phi lý. Điều này khiến thầy cô rơi vào thế bị động, thậm chí im lặng trước những biểu hiện lệch chuẩn của học sinh. Khi kỷ luật không còn là một phần của giáo dục, thì kỷ cương và đạo đức học đường cũng bị xem thường.

Và đáng buồn hơn, mạng xã hội - nơi có thể là công cụ giáo dục tích cực lại đang bị biến thành “sân khấu” cho những hành vi lệch chuẩn được tung hô, chia sẻ, bình luận một cách thiếu kiểm soát. “Hiện tượng mạng” nổi tiếng nhờ chửi bậy, sống buông thả lại trở thành hình mẫu được một bộ phận giới trẻ thần tượng và bắt chước. Trong khi đó, truyền thông tích cực lại thiếu sức lan tỏa, không đủ sức cạnh tranh với những nội dung giật gân, câu view.

Giáo dục đạo đức học đường không thể chỉ là nhiệm vụ của thầy cô mà là trách nhiệm toàn xã hội. Gia đình phải trở lại làm “trường học đầu tiên”, nơi gieo mầm nhân cách và là tấm gương sống cho con trẻ. Nhà trường cần được trao quyền, được tin tưởng để thực hiện kỷ luật một cách hợp lý, nhân văn; song song với đó, phải đổi mới hình thức giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống một cách hấp dẫn và gần gũi với học sinh. Cơ quan quản lý và truyền thông cần mạnh tay xử lý những nội dung độc hại, kênh “giải trí lệch chuẩn” đang làm méo mó nhận thức giới trẻ; tạo sân chơi, môi trường để lan tỏa những câu chuyện đẹp, hành động tử tế trong cộng đồng học đường, hướng đến lối sống đẹp, trách nhiệm, biết yêu thương và chia sẻ.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc