Multimedia Đọc Báo in

Thông tin chính thức vụ “Cháu bé 8 tuổi bị đốt gây bỏng chân”

19:10, 12/07/2022

Trong ngày 12/7, có một số trang mạng xã hội và báo điện tử đăng tải nội dung thông tin: Cháu Y Ngách Niê (SN 2014, trú xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) do không chịu đi trộm cắp nên bị một thanh niên tẩm xăng đốt gây bỏng chân. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, xác minh, Công an huyện Ea H’leo xác định một số thông tin đăng tải nói trên là không chính xác.

Theo Công an huyện Ea H’leo, khoảng 4 giờ sáng 12/7/2022, Nay K Pák (SN 2003, trú buôn Bir, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) mượn xe máy của bạn rồi chở cháu Y Ngách Niê và Y Tách, Y Chơn (đều là bạn của Y Ngách) về nhà ở buôn Kri, xã Ea Sol.

Cháu Y Ngách Niê
Chân của cháu Y Ngách Niê bị bỏng

Khi đến đoạn đường lô cao su ở buôn Bir, do đường mưa, trơn trượt nên Nay K Pák dừng xe bên đường. Lúc này, Y Tách và Y Chơn xuống xe đứng bên lề, còn Y Ngách đùa giỡn ôm cổ Nay K Pák làm cho xe bị ngã, xăng chảy ra ngoài.
Sau khi dựng xe lên, do bực tức và có sẵn men rượu trong người, Nay K Pák lấy bật lửa (mang từ nhà) ra quẹt vào người Y Ngách để dọa, la mắng. Không may, do quần áo Y Ngách có dính xăng, nên nhanh chóng bắt lửa.
Hốt hoảng, K Pák đã dùng tay múc nước mưa từ mương bên đường và dùng đất đổ vào người Y Ngách để dập lửa. Song, ngọn lửa vẫn bùng cháy nên K Pák tiếp tục lao đến cởi đồ Y Ngách ném ra bên đường. Hậu quả, cháu Y Ngách bị bỏng hai chân. Hiện, tình trạng của cháu bé đã cơ bản ổn định.

Được biết, Y Ngách là trẻ mồ côi cha, mẹ thì đi tỉnh Bình Dương làm công nhân, cháu đang sống cùng với ông bà ở xã Ea Sol.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội địa phương đã đến hỗ trợ đưa cháu bé đến bệnh viện để điều trị.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.