Cảnh báo tai nạn giao thông do lái xe ngủ gật
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra xuất phát từ nguyên nhân tài xế ngủ gật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, buồn ngủ khi lái xe có mức độ rủi ro và nguy hiểm không thua kém so với lái xe sau khi dùng chất kích thích như rượu, bia và chất ma túy. Do vậy, nếu người điều khiển phương tiện trong trạng thái buồn ngủ sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn.
Đơn cử như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra đầu tháng 10/2023 trên đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, khiến 1 người tử vong và 12 người khác bị thương.
Cụ thể, vào khoảng 13 giờ 30 ngày 8/10, tài xế Phạm Văn Huân (SN 1994, trú huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) điều khiển xe gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, tài xế Huân điều khiển xe theo hướng Đắk Lắk – Gia Lai, khi đến đoạn đường thuộc phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ thì buồn ngủ và lái xe chạy lấn sang phần đường ngược chiều, tông vào xe du lịch loại 16 chỗ do anh Phạm Phú Quý (SN 1987, trú TP. Buôn Ma Thuột) điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại.
Vụ tai nạn khiến anh L.Q.H. (SN 1996, trú tỉnh Đắk Nông) tử vong và nhiều người khác bị thương. Viện KSND thị xã Buôn Hồ đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam tài xế Phạm Văn Huân để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ vào đầu tháng 10/2023. |
Hay như vụ TNGT xảy ra vào rạng sáng 19/7/2022, tài xế xe khách BKS 29B-606.79 khi điều khiển phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) đã đâm vào xe bồn chở xi măng dừng đỗ phía trước. Hậu quả khiến tài xế xe khách tử vong tại chỗ, 17 hành khách bị thương. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do tài xế xe khách khi điều khiển thiếu chú ý quan sát (tài xế có biểu hiện ngủ gật) nên xe đã tông vào xe bồn đang dừng, đỗ phía sát lề bên phải đường (có bật đèn cảnh báo, có đặt vật cảnh báo phía đuôi xe).
Tại Việt Nam, thời gian làm việc của lái xe ô tô đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tuy nhiên trên thực tế không phải doanh nghiệp nào, tài xế nào cũng chấp hành. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì giờ làm việc của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Hành vi không tuân thủ quy định về thời gian làm việc của tài xế ô tô có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển xe quá thời gian quy định, tài xế có thể bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Ngoài ra, tài xế ô tô còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” căn cứ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc