Văn hóa pháp lý giao thông
Thời gian qua có những vụ án về tai nạn giao thông thật đau lòng. Đằng sau đó, điều đáng thương là nhiều bị cáo không hiểu biết pháp luật, và điều đáng trách là nhiều bị cáo hiểu biết pháp luật nhưng chủ quan vì nghĩ rằng sẽ chẳng có gì xảy ra.
Đơn cử như trường hợp cha mẹ giao xe gắn máy, xe mô tô (theo cách gọi thông thường là xe máy) cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi theo quy định (xe gắn máy phải đủ 16 tuổi trở lên, xe mô tô đủ 18 tuổi trở lên và có bằng lái A1). Bình thường không có vấn đề gì thì không sao nhưng khi xảy ra tai nạn thì mới thốt lên câu “giá mà”...
Trên thực tế có nhiều hành vi nếu không để ý, không quan tâm chắc hẳn ít ai nghĩ rằng đó lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Cảnh sát giao thông Công an huyện Krông Pắc đưa nhóm thanh thiếu niên chạy xe mô tô độ chế đánh võng, lạng lách rạng sáng ngày 24/9 về trụ sở cơ quan để xử lý theo đúng pháp luật. Ảnh: Hoàng Lê |
Đơn cử như hành vi “Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn”(điểm l, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP); hay thường thì chúng ta vẫn nghĩ hành vi chạy xe vượt tốc độ quy định thì mới bị xử phạt, nhưng trong một số trường hợp chạy xe tốc độ chậm vẫn bị xử ở mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng: “Điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép”(điểm q, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Và thậm chí nếu không gạt chân chống khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trên đường lại có mức phạt rất nặng, từ 2 - 3 triệu đồng: “Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” (điểm a, Khoản 6, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Nói đến tai nạn giao thông, chắc hẳn ít nhất ai trong chúng ta cũng một lần thót tim vì những cuộc đua xe, rú ga, phóng nhanh, vượt ẩu của các cậu thanh “choai choai”. Độ tuổi vị thành niên của các em là độ tuổi thích thể hiện. Vì vậy, có thể đa số các em không tham gia vào các cuộc đua xe ầm ĩ giữa đường phố nhưng tình trạng phóng nhanh, chạy quá tốc độ là rất khó kiểm soát. Do đó, tai nạn giao thông dưới tay lái của các em có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Mới đây nhất, tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Công an huyện Đăk Đoa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối ông Th., trú xã An Phú, TP. Pleiku vì trước đó ông đã giao xe máy cho con trai chỉ mới 16 tuổi điều khiển tham gia giao thông, gây ra tai nạn chết người.
Có thể thấy, mọi công dân đều tham gia vào quá trình giao thông trên các phương tiện khác nhau: đi bộ, đi xe đạp, xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô… nhưng quả thật, sự chủ quan và hiểu biết pháp luật về giao thông vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Hay nói cách khác là văn hóa pháp lý giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do đó, các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về giao thông.
Hạnh Phước
Ý kiến bạn đọc